Chỉ cách TP HCM 140 km, Vĩnh Long rất thích hợp để du ngoạn, khám phá văn hóa miền sông nước và thưởng thức các loại hình giải trí độc đáo.
Dưới đây là những thông tin cơ bản giúp du khách phần nào có thể lên kế hoạch cho chuyến đi của mình thuận lợi hơn.
Thời điểm tham quan
Du khách đến Vĩnh Long vào thời gian nào trong năm đều được, tuy nhiên đi vào mùa hè - thời điểm của những vụ mùa hoa trái sum xuê - là hợp lý nhất.
Cầu Mỹ Thuận nối liền 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long. Ảnh: dulichviet.
Phương thức di chuyển
Du khách có thể chọn các hãng xe uy tín như Phương Trang, Thành Bưởi, Phú Vĩnh Long,…Giá vé cho một lượt di chuyển chỉ từ 85.000 đến 110.000 đồng. Ngoài đi bằng xe khách, nhiều người chọn xe máy để chủ động trong việc đi lại và tiết kiệm chi phí.
Lưu trú
Tùy theo nhu cầu, sở thích và điều kiện kinh tế, du khách có thể qua đêm tại Vĩnh Long bằng các hình thức như thuê phòng nghỉ, homestay (trọ cùng người dân), cắm trại. Giá phòng tại trung tâm thành phố Vĩnh Long dao động từ 250.000 đến 400.000 đồng mỗi đêm. Nghỉ homestay có mức giá hợp lý và nhiều điều kiện trải nghiệm hơn nên được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn (giá dao động 150.000 - 200.000 đồng mỗi đêm với đầy đủ tiện nghi).
Ẩm thực
Cá tai tượng chiên xù: Chọn con cá lớn từ 1 đến 1,5 kg chiên trong chảo mỡ sâu thì thịt cá mới có mùi thơm nồng nàn. Cá được bày một đĩa lớn khá bắt mắt khi còn nguyên con, vàng ươm, vẩy xù lên cùng với nhiều loại rau của miệt vườn miền Tây. Du khách nhẹ nhàng bóc từng miếng thịt còn nóng và gói với rau thơm, rau quế, bún,.. cùng lớp bánh tráng mỏng bên ngoài. Nước chấm được làm từ nước mắm hòa cùng vị chua của chanh, vị cay của ớt, tỏi…càng làm cho món ăn thêm đậm đà khó quên.
Món cá tai tượng chiên xù hấp dẫn. Ảnh: Flickr.
Cá cháy: Cá cháy tuy có nhiều xương nhưng thị ăn rất ngon và béo. Cá cháy nấu canh chua là món ăn bình dân số 1 tại đây. Nguyên liệu có bạc hà, đậu bắp, giá, bông điên điển,… với nước mắm nhỉ đậm đặc có chút the nồng của ớt. Ngoài ra, loại cá này còn được chế biến thành các món như kho mặn, nấu cháo, gỏi cá,...
Khoai lang, mắm sống cuốn lá lách: Những củ khoai vừa được hấp chín nghi ngút khói được bóc vỏ là thành phần chính của món ăn dân dã này. Khoai được xắt thành từng miếng nhỏ cho dễ ăn. Người dân ở đây dùng mắm cá linh hoặc cá trèn để ăn cùng. Mắm có thêm gia vị chanh, đường để phù hợp khẩu vị từng người. Cuốn khoai cùng các loại rau như cải, xà lách, rau quế,… chấm với nước mắm ớt và từ từ cảm nhận sự độc đáo của món ăn.
Tôm càng xanh nướng: Trên bếp than hồng hấp dẫn, những con tôm chuyển từ màu hồng đến màu đỏ au là lúc đã được nướng chín. Thịt tôm ngon ngọt cùng mùi hương thơm phức hấp dẫn du khách đến lạ lùng. Thưởng thức tôm càng xanh nướng thì không thể thiếu muối tiêu chanh.
Thanh trà: Thanh trà là một loại quả tương tự như quả chanh, vỏ có màu xanh, khi chín có màu vàng cam bóng, cơm mềm vị chua, ngọt rất hấp dẫn du khách. Ngoài việc dầm nước đá để thưởng thức, thanh trà còn được dùng như một loại gia vị để chế biến các món ăn như cá rô kho thanh trà, nấu canh chua cá lóc,…
Điểm tham quan
Cầu Mỹ Thuận: Cầu Mỹ Thuận với tổng chiều dài 1.535 m bắc qua sông Tiền, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Ngoài giá trị về mặt giao thông và kinh tế, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam còn là điểm dừng chân của đa số du khách khi đi ngang qua.
Khu du lịch Vinh Sang: Tham gia câu cá sấu, tát mương bắt cá, cưỡi đà điểu, trượt cỏ... là số ít các hoạt động mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Vinh Sang. Tọa lạc trên cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ, đây là khu du lịch sinh thái lớn nhất Vĩnh Long. Du khách còn được chèo thuyền để tham quan các làng nghề như làm kẹo dừa, làm gốm,... hay thưởng thức bữa trưa bên làn điệu dân ca Nam Bộ. Đây thực sự là một điểm đến cho những du khách yêu thiên nhiên và văn hóa miền sông nước. Giá vé cho mỗi khách là 40.000 đồng, các trò chơi được tính phí riêng từ 10.000 đến 30.000 đồng tùy loại.
Du khách thích thú khi thử dịch vụ cưỡi đà điểu ở khu du lịch Vinh Sang. Ảnh: Laccanhviet.
Văn Thánh Miếu: Được xây dựng vào năm 1864, Văn Thánh Miếu gồm có 3 gian và 2 mái, là nơi thờ Khổng Tử. Ngôi miếu cũng là nơi ôn tập cho các sĩ tử, các hoạt động văn hóa, đề cao việc giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân lúc bấy giờ. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu được ví như điểm son của đất Vĩnh Long – xứ sở địa linh nhân kiệt.
Chùa Tiên Châu: Tọa lạc tại cù lao An Bình, chùa được xây dựng vào năm 1750 theo hình chữ tam, 3 gian nối liền nhau gồm chánh điện, hậu tổ và hậu liêu. Chùa có tất cả 96 cột gỗ tròn, các kèo, xuyên, trính đều được trạm trổ khéo léo qua bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân đến từ kinh đô Huế. Ngày 12/12/1994 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Vườn trái cây: Vườn chôm chôm, nhãn, sầu riêng,... rộng ngút ngàn khiến du khách đi mỏi chân chỉ có ở Vĩnh Long. Điểm đặc biệt là mọi người có thể mua vé vào vườn và ăn no bụng nhưng không được mang về. Một vài nhà vườn tiêu biểu như vườn chôm chôm Chín Hoán, vườn nhãn tiêu Tám Hổ, vườn bưởi cù lao Mỹ Hòa,...Mỗi lượt vé dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng tùy vườn và thời giá.
Vườn chôm chôm chín đỏ vào mùa thu hoạch. Ảnh: Atoztourist.
Vườn Bonsai: Với hàng trăm loại cây cảnh như mai vàng, mai chiếu thủy, lài,...kết hợp các ao nuôi cá, vườn trái cây đã tạo nên một không gian miền quê vô cùng giản dị và đơn sơ. Một số vườn bonsai được nhiều du khách tham quan (không mất tiền vé) như vườn bonsai Sáu Giáo, vườn Mười Đầy, vườn Hai Hoàng,... đều tập trung bên bờ sông của cù lao An Bình.
Quà mang về
Trái cây các loại như bưởi năm roi, chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng,…là món quà không thể thiếu sau mỗi lần tham quan Vĩnh Long. Đối với những du khách ưa thích cây kiểng sẽ tậu cho mình những chậu bonsai đẹp để trang trí hay làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Theo Mến Nguyễn