Để đón đầu làn sóng làn sóng đầu tư hậu Covid-19, thu hút các tập đoàn đa quốc gia lớn, sở hữu công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vậy phải làm gì để các “đại bàng” đến làm tổ nếu Việt Nam không có một tư duy mới, tinh thần tiến lên và chủ động hơn trong mục tiêu của mình.
Điều quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng là môi trường đầu tư của Việt Nam thế nào và nguồn nhân lực ra sao. Ảnh minh họa: Quốc Hùng.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra, Thủ tướng chính phủ nêu rõ, nếu như Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công. Việt Nam đã bước đầu thành công trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng phải lo phát triển đất nước, có như vậy mới đạt thắng lợi kép.
Ông nêu rõ, các nước đang cạnh tranh quyết liệt do đó chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Việt Nam cần có thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Để đạt được điều đó, theo ông, chúng ta phải có tinh thần tiến công, chủ động hơn. Trong thu hút phát triển ở đất nước còn nghèo, “nhân vô thập toàn”, không thể có một hạ tầng hoàn thiện, một cơ chế hoàn thiện, thì “chúng ta biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam” và phải làm nhanh hơn, tốt hơn. Nếu cứ bình bình, cách làm cũ, trì trệ, không đổi mới thì khó thành công.
Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, cần có tư duy mới thì mới có thể đón đầu dòng đầu tư mới này và “Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía”.
Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, Việt Nam cần thành lập tổ công tác về xúc tiến đầu tư để tiếp cận với các tập đoàn đang có chính sách chuyển dịch dòng đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư tiềm năng, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư hiện hữu.
Theo một số chuyên gia kinh tế, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Về mong muốn của nhà đầu tư, họ mong muốn chính sách phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn. Điều quan trọng là môi trường đầu tư của chúng ta thế nào và nguồn nhân lực ra sao, chuyên gia góp ý.
Với những yêu cầu này, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo nhằm giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.
Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan để lo vấn đề này. Địa phương nào có dự án thì bổ sung vào thành phần của địa phương đó để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20-4 năm nay, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,15 tỉ đô la, bằng 90,4% so với cùng kỳ. Cả nước có 31.862 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 373,1 tỉ đô la. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 216,93 tỉ đô la, bằng 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.