Đó là Cảng container quốc tế SP – ITC trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn Quận 9, TP.HCM có thể đón tàu từ 35.000 DWT trở lên, chính thức khai trương giai đoạn 1 vào ngày 18/9.
Theo đó, cảng SP – ITC được đầu tư, xây dựng trên diện tích 48 ha, tổng chiều dài cầu cảng chính 1000 mét, công suất thiết kế 2 triệu TEUs, khả năng bãi container 34.000 TEUs. Trong đó, giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 20 ha, có thể tiếp nhận tàu với tổng chiều dài 230m, trọng tải tàu 35.000 DWT và tàu có tổng chiều dài hơn 205 mét với mớn nước hơn -9.5 mét có thể lưu thông vào vào và ra cảng liên tục cả ngày lẫn đêm. Trong tương lai, cảng có thể đón tàu container có trọng tải lên đến 50.000 DWT.
Phát biểu tại lễ khai trương Cảng container quốc tế SP – ITC, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, đây là mô hình đáng trân trọng và cần nhân rộng bởi đây là cảng biển có quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng (chủ đầu tư là Công ty cổ phần vận tải và thương mại quốc tế (ITC) - PV). “Việc hoàn thành giai đoạn 1 Cảng SP-ITC sẽ góp phần giảm chi phí giá thành vận tải, giảm ách tắc giao thông cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói và cho biết việc đầu tư, xây dựng cảng là phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển khu vực phía Nam và chủ trương di dời các cảng biển ra khỏi khu vực trung tâm TP. HCM. Đồng thời, việc đưa Cảng SP – ITC vào hoạt động cũng góp phần “chia lửa” cho Cảng Cát Lái đang trở nên quá tải hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Chuyền, Chủ tịch Công ty ITC cho biết, cảng được đầu tư những trang thiết bị, máy móc hiện đại, như: Cần cẩu chuyên dụng bốc xếp container trên bến do Kocks Krane của Đức sản xuất có sức nâng 40 tấn và tầm với đạt 13 hàng containers; cần cẩu bánh lốp trên bãi Kalmar do tập đoàn Cargotec của Phần Lan và tập đoàn Mitsui của Nhật Bản sản xuất với sức nâng 40 tấn được đầu tư mới hoàn toàn với năng suất xếp dỡ cao, sử dụng công nghệ xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường, vận hành hoàn toàn bằng điện thay vì dầu diesel, có khả năng tự phát điện và giảm tiêu thụ năng lượng lên đến hơn 30%.
Theo ông Chuyền, ngoài vị trí hết sức thuận lợi, nằm sâu trong nội đia với mặt bến chính dọc theo sông Đồng Nai và mặt bến sà lan dọc trên sông Ông Nhiêu, bao quanh bởi hệ thống giao thông đường bộ chính, liền kề với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây nên kết nối thuận lợi với cụm cảng biển Cái Mép, vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long nơi có rất nhiều khu công nghiệp hoạt động thì việc đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại cũng là lợi thế cạnh tranh của cảng khi đi vào hoạt động nhờ chi phí vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thấp. Ngoài ra, cảng cũng được đầu tư sử dụng hệ thống công nghệ thông tin quản lý điều hành cảng đạt chuẩn quốc tế (Tral Time), sẵn sàng kết nối với mọi Head Quarter của các Hãng tàu.
Được biết, Công ty ITC được thành lập năm 2001 tại TP.HCM với vốn điều lệ ban đầu chỉ là 1,5 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực như khai thác và quản lý vận tải tàu biển, đại lý và môi giới hàng hải, vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy. Đến nay, vốn điều lệ của ITC đã là hơn 1.000 tỷ đồng và doanh nghiệp này đang sở hữu, quản lý và khai thác đội tàu hàng rời có dung tích lớn nhất Việt Nam với tổng số 9 tàu trọng tải lớn, được vận hành bởi đội ngũ thuyền viên Việt Nam có năng lực, giàu kinh nghiệm. ITC còn phát triển đội xe vận tải giao nhận hàng hóa đường bộ với hơn 150 đầu xe tạo nên một hệ thống dịch vụ trọn gói chuyên nghiệp và tiện ích phục vụ khách hàng.
Hồng Sơn / baodautu.vn