Chịu áp lực từ nhiều phía như đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP), đảm bảo thanh khoản, tăng nguồn vốn dài hạn, tăng trưởng tín dụng… các NHTM đang ra sức chạy đua huy động để tăng nguồn vốn hoạt động.
Ảnh minh họa: L. THANH.
Thay vì ồ ạt triển khai các chương trình khuyến mại quà tặng như trước đây, các NH đã chuyển hướng thu hút khách hàng bằng mức lãi suất rất cạnh tranh và triển khai nhiều ưu đãi cộng thêm lãi suất để thu hút nguồn tiền gửi dân cư.
Lãi suất huy động đang đẩy lên
So với cuối năm 2015, mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM đã tăng khá cao và mức độ cạnh tranh ngày càng lớn. Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, lãi suất kỳ hạn ngắn đã gần chạm trần, trong khi kỳ hạn dài hiện được niêm yết ở mức 6%/năm trở lên. Tại Vietcombank, kỳ hạn trên 12 tháng áp dụng lãi suất 6,5%/năm, BIDV áp dụng lãi suất 6,9%/năm, các kỳ hạn 12, 13, 18 tháng đến 36 tháng lên đến 7,2%/năm.
Nhiều NH hiện nay đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng để bù đắp lại khoản lợi nhuận bị hụt từ tín dụng doanh nghiệp sụt giảm. Đó cũng là lý do tại sao nhiều NH đang tìm kiếm mua hoặc có ý định thành lập CTTC để đẩy mạnh lĩnh vực này. |
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay cuộc đua lãi suất đang rất nóng ở nhóm NHTMCP, ở kỳ hạn ngắn lãi suất nhiều NH xoay quanh trần 5,5%/năm, trong khi ở kỳ hạn dài đa số áp dụng từ 6,5-8%/năm. Tại ACB, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12-36 tháng trong mức từ 6,2-6,8%/năm. Còn tại VPBank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất đạt 7,4%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng áp dụng khoản tiết kiệm từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng. Tương tự, SHB đang tính mức cao nhất 7,3%/năm đối với khoản tiền gửi trên 2 tỷ đồng ở kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Nổi trội nhất là tại TPBank áp dụng mức lãi suất cho kỳ hạn 36 tháng lên đến 7,8%/năm lĩnh lãi cuối kỳ. Đáng chú ý, nếu gửi tiền theo sản phẩm tiết kiệm Tài Lộc với các kỳ hạn dài 15, 18, 24 và 36 tháng, khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất tới 8,4%/năm.
Vietbank có sản phẩm tiết kiệm lãi suất thả nổi và lợi nhuận tối ưu, theo đó gửi kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 6,6% và biên độ 0,3%/năm, kỳ hạn 13 tháng lãi suất 7,2%/năm và 15 tháng là 7,3%, biên độ 0,4%/năm. Ngoài ra, khách hàng không rút trước một phần vốn được cộng thêm 0,2%/năm, khi tái tục gửi tiền, lãi suất được tính bằng lãi suất sản phẩm tại kỳ tái tục cộng thêm 0,1%/năm.
Trong vai người gửi tiền, PV được nhân viên của NCB tư vấn nên chọn gửi kỳ hạn 13 tháng, kỳ hạn không quá dài nhưng lãi suất lên đến 7,4%/năm. Tương tự, nhân viên Kienlongbank cũng tư vấn nên gửi kỳ hạn 13 tháng với lãi suất 7,1%/năm, đây là mức lãi suất cao nhất trong biểu lãi suất của NH này. Sau thông điệp của NHNN tại văn bản chấn chỉnh việc thực hiện quy định lãi suất huy động đầu tháng 5/2016, các chương trình tiết kiệm của các NH khá im ắng.
Tuy nhiên, các NH vẫn có nhiều cách để gia tăng ưu đãi, lôi kéo khách hàng. Chẳng hạn như đối với khách hàng gửi trực tuyến, NH sẽ cộng thêm lãi suất từ 0,1-03%/năm. Tuy nhiên, nhân viên của một số nhà băng cũng chia sẻ, khách hàng nên đến gửi trực tiếp tại quầy để được hưởng những chương trình ưu đãi dành cho những khoản tiết kiệm lớn. Trong đó, một số NH cho biết sẵn sàng thỏa thuận với khách hàng, nếu gửi kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ bị vướng trần lãi suất 5,5%/năm, để lách lãi suất chỉ cần làm hợp đồng tiền gửi trên 6 tháng để áp dụng mức lãi suất cao hơn nhưng trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận người gửi tiền rút trước thời hạn 6 tháng sẽ vẫn được hưởng lãi suất theo hợp đồng thay vì phải chịu lãi suất không kỳ hạn.
Nhiều NH cũng giới thiệu tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm lãnh lãi đầu kỳ như NCB, Kienlongbank, Saigonbank, BaoVietBank, VPBank, Techcombank… Với hàng loạt giải pháp hút vốn của các NHTM, nguồn vốn huy động trong quý I/2016 tăng đến 8,5% so với đầu năm, đạt 42.865 tỷ đồng.
Áp lực huy động vốn
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động của các NH liên tục được điều chỉnh tăng do nhiều tác động. Cụ thể, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% giảm về 40%. Hiện nay, tỷ lệ này tại các NHTM có vốn nhà nước 33,91% và tại NHTMCP 35,58%. Nguồn vốn để cho vay dài hạn không còn nhiều nên các NH chạy đua tăng lãi suất để gia tăng nguồn vốn, đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Theo các NHTM, giải pháp xử lý đối với vấn đề này là phải gia tăng vốn huy động dài hạn và giảm bớt tỷ lệ cho vay trung, dài hạn bằng vốn ngắn hạn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các NH đang đứng trước áp lực đảm bảo thanh khoản nên buộc phải tăng lãi suất huy động. Hơn nữa, nhu cầu vay vốn đang tăng cao nên nhiều NH tính đến phương án điều chỉnh tăng lãi suất huy động để gia tăng nguồn vốn. Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định trong tháng 4 thanh khoản có dấu hiệu chịu áp lực, đẩy lãi suất liên NH tăng 1% trong tuần đầu tháng 4 tại tất cả các kỳ hạn. Nguyên nhân xuất phát từ nhóm các NHTM có tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh Thông tư 36.
Mặt khác, lãi suất liên NH thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường 1, bởi các NH đang tăng dự trữ vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong quý II. Ngoài ra, đại diện một NHTMCP chia sẻ gần đây các NHTM tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12, 13 tháng nhằm đánh vào lãi suất cho vay đối với những khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua xe vì các khoản vay này ưu đãi lãi suất từ 6 hoặc 12 tháng, sau thời hạn đó lãi suất được tính bằng lãi suất huy động 12 hoặc 13 tháng, cộng thêm biên độ 3-5%/năm.
Bên cạnh đó, đợt tăng lãi suất huy động đồng loạt của các NHTM từ đầu năm đến nay do cuối năm 2015 dòng vốn của NH đầu tư đổ mạnh kênh TPCP nên phải hút vốn để bù lại. Năm 2016, kế hoạch phát hành TPCP là 220.000 tỷ đồng cũng đã tạo áp lực huy động vốn đối với các TCTD, vì đặc thù của thị trường TPCP là trên 80% do các TCTD nắm giữ.
Theo công bố của Bộ Tài chính, tính đến ngày 6-5 Việt Nam đã thực hiện phát hành được gần 111.791 tỷ đồng TPCP bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, đạt xấp xỉ 50,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2016. Để tiếp tục thực hiện phần còn lại, các NHTM chắc chắn phải tiếp tục tăng cường huy động để hoàn thành kế hoạch và sẽ tạo ra áp lực đối với lãi suất.
Ngoài ra, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay khá cao và ngày càng nhiều NH đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, nên các NH chấp nhận huy động với lãi suất cao hơn để phục vụ hoạt động này. Chẳng hạn VPBank đang sở hữu cổ phần Công ty Tài chính (CTTC) FE Credit.
Năm 2015, FE Credit có hơn 2 triệu khách hàng tại Việt Nam. Đây được xem là CTTC đang dẫn đầu thị trường về cho vay tiêu dùng hiện nay. Theo báo cáo tài chính của VPBank, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã mang đến cho NH này gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2015. Tổng dư nợ tín dụng năm 2015 của VPBank đạt 116.804 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 38.425 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó cho vay khách hàng cá nhân đóng góp 25.925 tỷ đồng. Theo kế hoạch, VPBank dự kiến cho vay khách hàng năm 2016 sẽ tăng hơn 30%.
Thêm vốn để tăng tín dụng, giảm nợ xấu
Việc không ít NH tư vấn cho khách hàng lách trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn ngắn để được hưởng lãi suất cao hơn theo quy định như trong thời gian vừa qua cho thấy nhu cầu vốn của NH vẫn rất lớn. Thông thường nhu cầu vốn của một NH tăng do phải đáp ứng nhu cầutăng trưởng tín dụng hay để củng cố tình hình tài chính của mình, hoặc cả 2 mục tiêu này.
Năm 2015, tổng tăng trưởng tín dụng đạt gần 18%, đây là mức khá cao so với những năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động lại thấp hơn con số này và điều này cũng đồng nghĩa các chỉ số về an toàn vốn của NH giảm. Năm 2016, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 18-20%, tuy nhiên tăng trưởng huy động dự báo tiếp tục ở mức thấp hơn con số này. Độ lệch pha cung cầu cho thấy cuộc đua huy động vốn càng trở nên khốc liệt.
Đến nay số liệu tăng trưởng tín dụng cả nước đầu năm 2016 chưa được công bố, nhưng số liệu tại TP.HCM rất khả quan với 4 tháng đầu năm đạt 3,2%, so với âm 0,8% cùng kỳ năm ngoái; tại Hà Nội cũng khá tích cực với tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng trưởng tín dụng của NH ngoài mục tiêu thông thường là mở rộng quy mô và tìm kiếm thêm lợi nhuận, cũng nhằm mục đích làm giảm tỷ lệ nợ xấu. NH cần các nguồn vốn mới để tái hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Điều này có thể thấy rõ trên thị trường bất động sản, thời gian qua rất nhiều NH đã tài trợ trở lại cho nhiều dự án đã đắp chiếu nhiều năm. Bên cạnh đó, khi tín dụng tăng mà nợ xấu tăng chậm hơn sẽ làm tỷ lệ nợ xấu giảm.
THIÊN MINH – PHÚ THUẬN / Báo Sài Gòn Đầu Tư