Để nắm được cơ hội rút ngắn khoảng cách với các quốc gia có đội bay hùng mạnh, hàng không Việt Nam phải giải quyết vấn đề nội tại, bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh bán vé dưới giá thành.
Ngành hàng không Việt đối mặt nguy cơ suy yếu tài chính vì chạy đua giảm giá vé. Ảnh: Hoàng Anh
Giá vé giảm bất thường
Đại dịch Covid-19 đã bẻ gãy đà phát triển chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng đã giảm mạnh từ năm 2020, các hãng hàng không đều rơi vào tình trạng hoạt động không hiệu quả.
Thị trường đóng băng, dư thừa tải cung ứng, các hãng hàng không trong nước liên tục hạ giá vé xuống thấp để lấy dòng tiền, đẩy hoạt động kinh doanh vận tải hàng không vào tình trạng thua lỗ trầm trọng. Tình trạng này kéo dài không chỉ làm suy yếu năng lực tài chính của các hãng hàng không mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu duy trì chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh của hàng không nội địa với các hãng nước ngoài.
Một vấn đề nhìn thấy rõ là việc giảm sâu giá vé máy bay cũng tạo ra sự mất cân đối về phát triển đồng bộ giữa các lĩnh vực vận tải khi giá vé máy bay ở nhiều thời điểm còn rẻ hơn đường sắt và đường bộ trong khi chi phí cho hoạt động khai thác của hàng không luôn ở mức cao hơn để đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về an ninh và an toàn cũng như chất lượng dịch vụ.
Vấn đề này đã được nhận diện trong tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng. TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: Hiện nay có tình trạng cạnh tranh giữa các hãng hàng không bằng cách giảm mạnh giá vé. Tính đến tháng 4-2021, giá vé bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% cùng kỳ 2019. Giá vé giảm có thể đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh, hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung nhưng việc giá vé giảm quá mạnh sẽ gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.
Việc bán vé máy bay với giá thấp trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp áp lực lớn về tài chính gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng mà tồi tệ hơn là phải lâm vào tình trạng phá sản khi doanh thu không bù đắp nổi các chi phí hiện hữu. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại là người chịu thiệt thòi.
Đã đến lúc cần điều tiết giá vé máy bay
Từ thực tế nêu trên, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không Việt Nam vượt qua khó khăn trước mắt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn trong khi những khó khăn cả về tài chính và hoạt động lại vẫn đang đeo bám ngành hàng không đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ một trong những ngành kinh tế quan trọng, hướng tới giai đoạn phục hồi kinh tế.
Trong đó, có giải pháp giao cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh quản lý giá phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không theo hướng hỗ trợ đặc biệt các doanh nghiệp hàng không trong thời điểm khó khăn, tránh để xảy ra cạnh tranh đối đầu trong bối cảnh thị trường suy giảm. Ngoài ra, cần phải có biện pháp cân đối giá vé hàng không với giá các loại hình vận tải khác, tránh tình trạng sự mất cân đối của ngành hàng không sẽ bóp nghẹt sự phát triển của các loại hình khác như vận tải đường thủy, đường sắt.
TS Nguyễn Minh Phong nhận định: “Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khi mà các doanh nghiệp tìm mọi giải pháp để vượt khó khăn, thì Chính phủ cũng nên rà soát lại toàn bộ các quy định trong quản lý ngành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hãng hàng không tại Việt Nam, khuyến khích và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh không phải bằng cách phá giá, mà cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sản phẩm ưu việt nhằm mang đến khách hàng sản phẩm dịch vụ tốt nhất...
Như vậy, việc cần có chính sách quản lý, điều tiết giá vé máy bay về tổng thể là cần thiết, đúng đắn trong bối cảnh đặc thù hiện nay, nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá tự làm yếu mình như hiện tại. Điều này đang làm méo mó thị trường, gây hoang mang cho nhà đầu tư và các hãng hàng không, cũng như gây thiệt hại cho tất cả các bên và trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh thị trường, khiến mọi doanh thu từ vé bán dưới giá thành để thu hút khách hàng và loại trừ đối thủ, trái với lợi ích doanh nghiệp và quốc gia, cả cấp vi mô và vĩ mô, phạm vi trong nước và quốc tế đã nêu trên…”.
Cuối tháng 6-2021, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam vấn đề nêu trên và kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.