Bất lợi lớn nhất của giải pháp nhà thông minh “Made in Vietnam” khi ra nước ngoài là thương hiệu còn mới, thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm công nghệ dường như vẫn là con số 0 trên thị trường quốc tế dù chất lượng sản phẩm có thể ngang tầm với giải pháp của Mỹ, Nhật, Châu Âu…
Thị trường nhà thông minh đang ngày càng sôi động tại Việt Nam. |
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp giải pháp nhà thông minh thương hiệu Lumi tại Việt Nam, công ty này đang làm việc với các đối tác tại Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc để xuất khẩu và phân phối các sản phẩm thương hiệu Lumi sang các thị trường này.
Trao đổi với ICTnews, ông Đàm Đắc Quang, Giám đốc Sản xuất của Lumi chia sẻ: Khi các đối tác nước ngoài đề xuất hợp tác với Lumi, họ đã nghiên cứu rất kỹ các sản phẩm và đặt lên bàn cân so sánh giải pháp nhà thông minh Lumi với chính các hãng khác có tên tuổi trên thị trường. Công ty Lite Automation Australia tại thị trường Australia là một ví dụ.
Tuy nhiên, sản phẩm của Lumi với lợi thế về mẫu mã, chất lượng ổn định, giải pháp linh hoạt, dễ lắp cho mọi công trình không phải tác động đục phá đến hạ tầng sẵn có… đã bắt đầu chiếm được thiện cảm tại thị trường này.
“Ngoài thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh phát triển thị trường toàn cầu. Mục tiêu của Lumi tới cuối năm 2016 sẽ phủ rộng hệ thống lên tới 120 đại lý trên khắp các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu tới 4 quốc gia gồm Australia, Ấn Độ, Lào, Campuchia”, ông Quang cho biết thêm.
Đối với một doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp từ năm 2012, ban đầu chỉ có 3 thành viên với các lãnh đạo thuộc thế hệ 8X tại Việt Nam như Lumi, việc phát triển thị trường trong nước đồng thời bắt đầu vươn ra thị trường quốc tế được xem là tín hiệu rất khả quan đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ trẻ trong nước.
Tuy nhiên, ông Quang cũng thẳng thắn cho rằng bất lợi lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi ra quốc tế đó là thương hiệu còn mới. Bên cạnh đó, thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam” dường như đang là con số 0 trên thị trường quốc tế, cho dù chất lượng có thể ngang tầm với hàng Mỹ, Nhật Bản hay Châu Âu nên vẫn gặp bất lợi về cạnh tranh.
Còn đối với sân chơi trong nước, vài năm trở lại đây, “nhà thông minh” đã bắt đầu trở nên quen thuộc hơn, nhất là khi các căn hộ hiện đại, biệt thự hay công trình lớn được xây dựng ngày càng nhiều. Trong đó, công nghệ chủ yếu xuất xứ từ Mỹ, Đức, Pháp với các thương hiệu nổi tiếng như Crestron, Legrand, Bticino, Hager, Honeywell, Kocom, AV Tech…
Nhưng nhiều công nghệ trong đó có chi phí cao, khả năng thi công hạn chế, nhận thấy cơ hội tại thị trường này, ngay từ khi khởi nghiệp, tận dụng lợi thế là công ty sản xuất phần cứng và phần mềm, Lumi đã định hướng tập trung mạnh vào nghiên cứu phát triển sản phẩm trên những nền tảng công nghệ đã nắm bắt được như cảm ứng điện dung, nguồn xung, công nghệ truyền thông không dây ZigBee, đáp ứng linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng để làm nên thế mạnh cạnh tranh so với các đối thủ.
Một biệt thự tại Vinhome Riverside sử dụng giải pháp nhà thông minh của Lumi. |
1 năm sau khi chính thức nhảy vào thị trường nhà thông minh, Lumi Việt Nam đã cung cấp giải pháp cho khoảng 500 công trình trên cả nước,có mặt tại các khu đô thị, biệt thự cao cấp như Times City, Royal City, Madarin, Hoàng Thành Tower, khu đô thị An Khánh, Văn phòng làm việc Quốc hội TP.HCM, nhà điều hành sân Golf Flamingo Đại Lải…, sở hữu đội ngũ nhân sự cao cấp lên đến gần 50 người, mở rộng chi nhánh tại TPHCM, hơn 35 đại lý trong nước và 1 trung tâm R&D (hàng năm được đầu tư khoản chi phí từ 10 - 12% trên tổng doanh thu) với hơn 20 kỹ sư; bắt tay với các hãng công nghệ lớn như Toshiba, Cypress… để cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm, giải pháp.
Trao đổi thêm với ICTnews, ông Quang thẳng thắn nhận định: Việt Nam là “vùng trũng” công nghệ của thế giới. Để phát triển sản phẩm công nghệ cần phải đầu tư lâu dài về nguồn vốn, trí tuệ ngành công nghiệp phụ trợ. Nhiều khi chúng tôi chỉ gia công 1 chi tiết nhỏ như khuôn mẫu, vỏ, hộp nhựa nhưng tìm kiếm đối tác rất khó, trong khi các thương hiệu nước ngoài vốn rất mạnh về hai lĩnh vực này.
Chính vì thế, các doanh nghiệp công nghệ cũng như Lumi phải nỗ lực đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ, thiết kế, kỹ thuật, quy trình sản xuất, nguồn nhân lực..., dù điều này không dễ thực hiện trong một sớm một chiều.
(The0 Phan Minh - ICTNews)