Cần tập hợp các nhà sản xuất nội dung và nền tảng trong nước thành một mạng lưới để giành lại thị phần trong kinh tế số.
Khi thất thế và “bán mình”
Quốc hội giao Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái nội dung số trong nước phát triển. Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, đây là cơ sở pháp lý cho Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan khác chung tay xây dựng sản phẩm Internet có thương hiệu và nội dung.
Ông Tự Do nêu ra 4 thực trạng khiến phải cấp bách thúc đẩy hệ sinh thái nội dung số phát triển. Nếu không có giải pháp quyết liệt, việc mất chủ quyền không gian mạng của nước ta là hiện hữu.
Thứ nhất, nước ta có 367 mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, nhưng người sử dụng rất ít. Trong khi đó, chỉ 2 mạng xã hội của nước ngoài là Facebook và Google có lần lượt 53 triệu và 33 triệu tài khoản.
“Hai mạng xã hội này đang có doanh thu quảng cáo khoảng 250 triệu USD/năm, chiếm hơn 70% thị phần tại Việt Nam”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Thứ hai, riêng Google hiện chiếm tới 95% thị phần công cụ tìm kiếm tại Việt Nam.
Thứ ba, trong thị trường thương mại điện tử, tất cả doanh nghiệp nội đều gặp nhiều khó khăn và hầu hết phải tính đến việc bán cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ tư, doanh nghiệp Việt nắm được “trụ cột” về sản xuất nội dung số trên Internet, nhưng lại đăng tải trên dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài. Kết quả, họ phải chịu ăn chia bất hợp lý, nên nhà sản xuất nội dung số đang làm thuê và giúp doanh nghiệp ngoại kiếm tiền.
Ngoài 4 bất lợi trên, những bất cập về chính sách cũng khiến doanh nghiệp Việt kém lợi thế cạnh tranh. “Nhiều người phàn nàn rằng, chúng ta siết chặt quản lý hoạt động doanh nghiệp trong nước, trong khi không quản lý hoặc quản lý không hiệu quả với doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Chính sách của chúng ta còn nhiều bất cập và cũng chưa có luật quản lý thông tin trên mạng”, ông Tự Do nói.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Chính phủ ban hành một số văn bản pháp luật quy định cụ thể và khắc phục những hạn chế trên trong năm 2018. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.
Cuộc chiến giữa nội dung và nền tảng phân phối nội dung
Trong thị trường sản xuất nội dung số, doanh nghiệp Việt Nam hiện chiếm 80% thị phần, nhưng doanh thu chỉ chiếm 40%. Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho rằng, ngành nội dung số là lĩnh vực quan trọng cuối cùng mà Internet Việt Nam còn giữ được, như “trụ cột” thứ tư mà ông Tự Do đã chỉ ra ở trên. Ngành nội dung số hiện có khoảng 10.000 lao động và khoảng 10.000 cộng tác viên, trong 10 - 20 năm nữa, Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 - 1 triệu nhân sự trong lĩnh vực này.
Facebook, Google hay Youtube đang dẫn đầu thị trường nền tảng phân phối nội dung số. Theo quan điểm của hai đại diện trên, trong cuộc chiến về nền tảng phân phối, sẽ không còn hy vọng để doanh nghiệp Việt cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, cần nhìn theo khía cạnh tích cực hơn, theo hướng lấy lợi thế về sản xuất nội dung số để phối hợp với các nền tảng phân phối nội dung trong nước. Cụ thể, cần tập hợp các nhà sản xuất nội dung và nền tảng trong nước thành một mạng lưới để giành thị phần.
“Một nhà viễn thông lớn tại Việt Nam cho biết, họ sẵn sàng xây dựng một mạng xã hội hay nền tảng phân phối nội dung như Youtube, Facebook, với điều kiện các nhà sản xuất nội dung trong nước phải phối hợp bằng việc đăng tải nội dung lên nền tảng của họ”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Để giành được thị phần, cần phát triển các nền tảng phân phối nội địa và điều cốt yếu là nhà sản xuất nội dung Việt phải sở hữu những nội dung độc quyền và chất lượng. “Khi các nền tảng của Việt Nam phát triển thì câu chuyện cạnh tranh sẽ khác. Chúng ta có cơ hội thắng khi có các nền tảng của riêng mình”, ông Tân nói.
Hồng Phúc / baodautu