Dự định ở chung với gia đình 4 người con nên ông Hoàng xây nhà 6 tầng, nhưng được hai năm thì quyết định bán.
Ảnh minh họa. |
Rao bán nhà cả năm nay nhưng ông Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa tìm được người mua. Ngôi nhà đồ sộ của ông nằm trên mảnh đất rộng 120 m² (mặt tiền 6m).
4 con ông đều đã lập gia đình nhưng phải đi thuê trọ hoặc ở nhà tập thể cũ. Bởi vậy, cách đây 3 năm, ông Hoàng quyết định quy tụ cả nhà ở chung một chỗ.
Xác định nhà là để ở cả đời mình, đời con nên ông Hoàng quyết tâm đầu tư đồ tốt, xịn để "ăn chắc, mặc bền". Tầng một là không gian sinh hoạt chung, chỗ để xe. Từ tầng 2 tới tầng 6, mỗi tầng giống như một căn hộ khép kín.
Bà Lan, vợ ông Hoàng, dự tính, với cách bố trí như vậy, cả nhà quây quần bên nhau mà vẫn có thể sống độc lập. Các con có thể tự nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt theo giờ của mình.
Tuy nhiên, khi cả nhà chuyển về sống chung mới nảy sinh nhiều vấn đề. Ngoài 2 chiếc xe ôtô gửi ngoài, trong nhà còn có tới 8 xe máy, xe đạp của các cháu để bày bừa ở tầng một. Khách vừa vào nhà là có cảm giác ngột ngạt, khó chịu.
Tầng một, sảnh hành lang, cầu thang là không gian chung nên chẳng ai chịu trách nhiệm, phó mặc hết cho bố mẹ. Ông Hoàng phải tuyển giúp việc mới liên tục vì họ mệt mỏi với việc dọn dẹp đống bày bừa của đại gia đình hơn 20 người.
Mang tiếng nhà riêng, nhưng nơi ở của gia đình ông Hoàng giờ giống như một khu tập thể mini. Dù ăn riêng nhưng 5 gia đình cũng nhiều lần va chạm, phải cố tươi cười nhưng bên trong không hài lòng.
Chán nản vì suốt ngày nghe hết con trai cả tới con gái út nói xấu nhau, ông Hoàng - bà Lan quyết định bán nhà để chia tiền cho các con mua nhà riêng.
Khi ấy, ông bà mới thấy nuối tiếc việc xây nhà hoành tráng nhất khu của mình. Đất rộng, nhà xây toàn bằng vật liệu đắt tiền, thiết bị nội thất cũng tốn kém. Bởi vậy, ông định giá tới 20 tỷ mới đủ bù lỗ.
Công trình thiết kế theo phân khúc nhà riêng, có cầu thang ở giữa nên không phù hợp làm văn phòng. Nếu muốn sửa thì chủ mới lại tốn nhiều tiền đập bỏ các khu bếp tiện nghi. Người có khoản tiền lớn để mua căn nhà như vậy thì cũng không muốn ở trong ngõ. Họ có thể mua biệt thự ở các khu chung cư rộng rãi, xe ôtô vào tới tận nhà.
Chính vì "trở đi mắc núi trở lại mắc sông" như vậy mà đến giờ hai người con lớn đã đòi ra ở riêng cho thoải mái. Chỉ còn ông bà Hoàng sống trong cảnh bằng mặt mà không bằng lòng với hai người con út, cũng không biết bao giờ mới bán được nhà để chia.
Không chỉ riêng nhà ông Hoàng mà rất nhiều gia đình rơi vào cảnh lãng phí do không tính hết nhu cầu thực tế như vậy. Bố mẹ luôn muốn con cái sống chung nên dành hết tiền bạc để xây những ngôi nhà lớn, nhiều tầng. Nhưng các tầng nhanh chóng bị bỏ trống sau một vài năm khi con cái lên thành phố hoặc ra ở riêng.
Từng nhận nhiều đề nghị thiết kế của các đại gia đình, kiến trúc sư Ngọc Anh cho biết, anh luôn đưa ra lời khuyên các chủ nhà nên tính trước mục đích sử dụng trong thời gian tối thiểu 10 năm. Bố mẹ cũng nên hỏi kỹ các con về kế hoạch riêng để xây cho phù hợp.
Ngoài ra, các gia chủ có thể tính tới giải pháp thiết kế nhà linh hoạt có thể chuyển đổi công năng. Ví dụ, cầu thang nên xây sát gọn vào góc để khi nhà còn ít người ở có thể chuyển thành văn phòng, lớp học cho thuê.
Trên các mảnh đất rộng, gia chủ nên tính tới việc xây thành 2-3 ngôi nhà với lối đi riêng, bố mẹ và con có thể sống tách biệt. Khi không còn nhu cầu sử dụng, gia chủ sẽ dễ dàng bán, cho thuê căn nhỏ với giá tiền vừa phải, nhiều khách mua hơn.
An Yên / VnExpress