Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 600 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 40% GDP mỗi năm và thu hút 51% lực lượng lao động trên cả nước. Mỗi năm SME tạo ra thêm nửa triệu việc làm mới.
Tọa đàm kết nối nguồn vốn cho SME Việt Nam |
SME đối diện rất nhiều khó khăn…
Dù giữ vai trò quan trọng như vậy nhưng cho đến nay, nhóm SME còn đối diện với rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật nhất là trình độ quản lý, đầu tư khoa học công nghệ,...điều quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn để phát triển doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI TP.HCM, trong số những doanh nghiệp SME nói trên chỉ có 30% được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Nguyên nhân chính vẫn là dự án thiếu quy mô, không có sức thuyết phục, sổ sách kế toán thiếu minh bạch, đặc biệt là không có tài sản thế chấp…
Tại buổi tọa đàm “Vốn cho SME” mới đây tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Không phải doanh nghiệp SME nào cũng có tài sản để thế chấp, nên ngân hàng phải nhìn vào thực trạng dự án của họ để thẩm định cho vay. Hay nói đúng hơn ngân hàng nên đứng ở vai trò như một nhà đầu tư song hàng cùng họ mới đúng chức năng của một tổ chức tín dụng.
Nói về vai trò của ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng: "Tôi có cảm giác, các ngân hàng Việt Nam xem mình như một tiệm cầm đồ. Có tài sản mới được vay và nếu mất khả năng thanh toán doanh nghiệp bị bị siết tài sản…Vì thế ngân hàng Việt Nam nên thay đổi cách nhìn này thì doanh nghiệp SME mới có cơ hội phát triển trong nền kinh tế bao trùm như hiện nay".
Đồng tình với quan điểm của ông Hiếu, ông David Nguyễn Vũ – Chủ tịch Qũy đầu tư Regulus(Singapore), Giám đốc phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore cũng cho rằng: khi thẩm định dự án cho vay, ngân hàng không nên nhìn vào thâm niên của doanh nghiệp vì có những Start-up mới thành lập, nhưng có dự án tốt, tính hiệu quả cao, hoặc thẩm định dự án nên dựa trên ngành nghề chứ không thể vì doanh nghiệp SME mà nguồn vốn vay ấn định hạn mức…
Tạo kết nối vốn cho SME
Từ những bất cập nguồn vốn cho những doanh nghiệp SME, Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam đã chính thức ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam “SME Việt Nam Network”. Đây được xem như một “sân chơi” để kết nối, gắn kết, thúc đẩy tương tác giữa các doanh nghiệp với nhau. Đặc biệt mang lại cho các SME một tư duy và cách quản trị doanh nghiệp trong thời đại số 4.0.
Cụ thể, doanh nghiệp SME tham gia mạng lưới sẽ được cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu và cơ hội giao thương tại trang tin www.smevietnam.vn và nền tảng App SME trên điện thoại thông minh, đồng thời, ngân hàng UOB đến từ Singapore sẽ là đơn vị đồng hành.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Hồ Diệu Vân - đại diện ngân hàng UOB cho biết, UOB sẽ cung cấp gói tài trợ tín dụng cho các thành viên của SME Việt Nam trị giá khoảng một ngàn tỷ VND cho đến cuối năm 2018 cùng với các ưu đãi đặc biệt dành riêng khác. Các chi tiết của gói ưu đãi được liệt kê trên ứng dụng di động của SME Việt Nam. Các SME có thể dễ dàng đăng nhập vào ứng dụng và bắt đầu dịch vụ ngân hàng với UOB. UOB cung cấp một chương trình cho vay tín chấp cho các thành viên của SME Việt Nam bằng dữ liệu của doanh nghiệp và cho vay đến 100% tổng dự toán; lên đến 120% giá trị tài sản thế chấp và khoản vay có thể kéo dài lên 25 năm cho mục đích bất động sản….
Chính phủ đã nhìn thấy tầm quan trọng của doanh nghiệp SME
Ông Nguyễn Văn Cường - Vụ phó Cục Hành chính quản trị 2, văn phòng Chính Phủ cho biết, tháng 5/2017, Quốc Hội đã chính thức thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp SME và đã được Chính phủ cùng các Bộ ngành quyết liệt triển khai nhằm hỗ trợ và phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp SME Việt Nam. Tại Hội nghị Bộ trưởng SME APEC ngày 15/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp SME trong kỷ nguyên số là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của chủ đề năm quốc gia APEC 2017 bởi trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, kéo theo sự thay đổi trong tư duy, cách sống trên toàn cầu, các doanh nghiệp SME với nguồn lực hạn chế là tối tượng dễ bị tổn thương…Do đó, các nền kinh tế APEC cần có sự quan tâm, hỗ trợ cho khối doanh nghiệp SME.
Minh Hương / DĐDN