Cặp chóe tứ linh tiền tỷ được tạo ra bởi đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân khuyết tật Phạm An Đạo. Cặp chóe tứ linh này vừa ra đời cách đây 6 năm, chứ không phải là một cổ vật hàng trăm năm tuổi như nhiều người lầm tưởng.
Ngày 8/6, Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt đã phát đi thông cáo về việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ chối mua tài sản ông đã đấu trúng tại phiên đấu giá Cặp chóe Tứ Linh ngày 28/5/2016 với giá 6 tỷ 50 triệu đồng.
Theo đó, ông Dũng sẽ bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc 50 triệu đồng và tài sản Cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề là ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hải Phát với giá trúng 6 tỷ đồng. Ông Đỗ Quý Hải đã đồng ý mua lại cặp Chóe Tứ Linh này.
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã từ chối mua cặp chóe hơn 6 tỷ đồng sau khi trúng đấu giá
Được biết, trong phiên đấu giá ngày 28/5 cặp choé này được đề xuất giá khởi điểm là 900 triệu (sản phẩm giá đấu cao nhất). Cuộc đấu giá sau khi trải qua 29 lần “nâng lên” không “đặt xuống” giữa hai đại gia Bất động sản của Việt Nam là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải. Cuối cùng người thắng cuộc là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.
Điều gì đã làm nên sự đặc biệt đẩy giá trị của một đôi chóe tứ linh lên đến hơn 6 tỷ đồng, một mức giá xưa nay hiếm đối với một tác phẩm vừa ra đời cách đây 6 năm, chứ không phải là một cổ vật hàng trăm năm tuổi như nhiều người lầm tưởng.
Cặp chóe này lại là một tác phẩm vừa ra đời cách đây 6 năm, chứ không phải là một cổ vật hàng trăm năm tuổi như nhiều người lầm tưởng
Cha đẻ của cặp chóe này là nghệ nhân Phạn Anh Đạo 39 tuổi (Bát Tràng, Hà Nội). Đặc biệt, căn bệnh từ nhỏ gần như lấy mất toàn bộ khả năng nghe, nói của Đạo. Bù lại, trời phú cho anh một đôi bàn tay tài hoa và sự say mê đặc biệt với nghề gốm truyền thống của gia đình. Đạo cũng là người khuyết tật được công nhận nghệ nhân trẻ nhất khi mới 35 tuổi.
Thành lập năm 2002, xưởng gốm của Đạo tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn được biết tới như cơ sở duy nhất còn theo đuổi việc chế tác bằng tay, thay vì dùng máy móc. Năm 2008, sau 6 tháng tốn gần 600kg đất Đạo đã vuốt, nung thành công đôi chóe Tứ Linh cao 2,5m, rộng 1,3m, nặng 500kg lớn nhất từ trước tới nay.
Phạm Anh Đạo bị câm điếc từ nhỏ, anh cũng là nghệ nhân duy nhất còn làm gốm vuốt tay ở Hà thành
Cặp chóe Tứ Linh nổi bật bởi kích thước gần 2 người ôm và kỹ thuật chế tác đặc biệt khi được gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật vuốt gốm cổ truyền. Đôi chóe khổng lồ ra đời năm 2010 nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các họa tiết vẽ tứ linh (long lân quy phượng) trên chóe được nghệ nhân vẽ lại, dựa trên các họa tiết gốm truyền thống với nước men rạn theo kiểu giả cổ.
Đôi chóe Tứ Linh có chiều cao gần 2m, đường kính 1,2m và nặng 500kg
Để có được đôi chóe này, nghệ nhân đã mất gần một năm chuẩn bị, với chi phí hơn 250 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng tiền gas để đốt lò nung cho đôi chóe cùng một cặp lục bình và một bát hương cũng đã lên tới gần 40 triệu đồng. Anh Đạo và cộng sự phải thức suốt 6 ngày đêm để canh lò nung.
Sau khi hoàn thành, khách nườm nượp đến xem, nhiều người trả giá hơn 600 triệu đồng, nhưng nghệ nhân nhất quyết không bán bởi Đạo cho rằng bán đi không biết lần sau mình có làm thành công nữa không.
Năm 2010, Phạm Anh Đạo được bầu chọn là một trong 10 công dân tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Sự kiện này khiến nhiều người không biết thì ngỡ ngàng nhưng ai tường tận lại không hề ngạc nhiên. Bởi, sau một thời gian lận đận, chàng trai câm, điếc nhưng được nhiều người ví von có “bàn tay ma thuật” này đã trở thành ông chủ của một thương hiệu được nhiều khách hàng ưa thích - Gốm Đạo Trinh.
Nghệ nhân Phạm Anh Đạo thực hiện sản phẩm gốm Bát Tràng vuốt tay truyền thống
Giờ đây, ở Bát Tràng không chỉ có riêng xưởng gốm vuốt tay Đạo Trinh. Dọc con đường từ đầu đến cuối làng, có rất nhiều xưởng, cửa hàng gốm vuốt tay khác. Người làng Bát Tràng ai cũng công nhận chính chàng trai câm, điếc Phạm Anh Đạo đã thức tỉnh họ quay lại với cách làm gốm vuốt tay truyền thống. Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm – Hà Nội đã từng khẳng định: “Đạo là chàng trai đầu tiên đưa nghề gốm vuốt tay trở lại với làng gốm Bát Tràng sau một thời gian bị sao nhãng”.
Ngoài việc sản xuất theo đơn đặt hàng, những lúc rảnh, Đạo lại tự nghĩ, tự làm những mẫu anh thích, như: phục chế gốm hoa nâu Lý - Trần, gốm men lam, men nước dưa, nước dong, men rạn... Đạo còn mày mò làm chóe, thạp, ấm tích, độc bình... Anh là nghệ nhân trẻ nhất của làng gốm Bát Tràng hiện nay.
Lan Nhi
Theo Trí thức trẻ