Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ Donald Trump liệu có ảnh hưởng tới làn sóng thương mại, đầu tư vào Việt Nam?
Không có TPP, Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều
TPP có thể giúp việc mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ, tạo cú hích lớn cho ngành công nghiệp sản xuất xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam – một nền kinh tế được đánh giá là năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, không có TPP, Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều, bởi các nguyên nhân sau.
Thứ nhất, TPP chưa từng có hiệu lực và được triển khai thực tế tại Việt Nam. Các lợi ích từ Hiệp định này vẫn chỉ là giả thuyết hoặc dự đoán ở thì tương lai. Việc chấm dứt TPP không gây nhiều tác động lên những nước tham gia so với việc, ví dụ, đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Dù có cơ sở để thấy rằng, các lợi ích tiềm năng từ TPP là một lý do khiến các nhà sản xuất, đặc biệt là ngành dệt may, đã mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam với kỳ vọng ưu đãi miễn thuế vào Mỹ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác vẫn đang thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam như: chi phí nhân công, sức tăng trưởng nhanh của thị trường hàng tiêu dùng nội địa và các hiệp định thương mại chiến lược đã ký kết. Đó chính là các yếu tố nâng cao uy tín, giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng là yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, TPP sẽ có thể được thay thế. Những phát biểu lạc quan của Thủ tướng Nhật Bản, Australia và New Zealand gần đây đều cho thấy một sự sẵn sàng tham gia vào TPP mà không có Mỹ. Đây đều là những thị trường thương mại tự do với những lợi ích về kinh tế và xã hội rất rõ ràng. Những quốc gia khác, như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, được dự đoán cũng sẽ cân nhắc việc tham gia TPP. Các đối tác tại châu Á của Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của TPP. Giao dịch thương mại với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc về cơ bản sẽ cần nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, một đặc điểm khó nắm bắt trong quan hệ thương mại với Mỹ. Bất luận trong hoàn cảnh nào, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua chính sách đàm phán hiệp định thương mại song phương với các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam.
TPP chưa từng có hiệu lực và được triển khai thực tế. Các lợi ích từ Hiệp định này vẫn chỉ là giả thuyết. Việc chấm dứt TPP không gây nhiều tác động lên những nước tham gia. |
Thứ ba, kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Việt Nam đã có nhiều tuyên bố cho thấy sẽ thực hiện những cam kết cải cách trong nước khi gia nhập TPP. Những cam kết đó bao gồm việc cải tổ nhóm doanh nghiệp quốc doanh, mua sắm chính phủ, bảo vệ người lao động, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số. Những cam kết quốc tế sẽ là tác nhân thúc đẩy Việt Nam thực hiện các chương trình cải cách trong nước, Chính phủ cũng sẽ đồng thời nỗ lực trong việc thúc đẩy tự do hóa thị trường và thực hiện các cải cách nội bộ khác. Việt Nam chắc chắn đã nhận ra rằng, cải cách chính là điều cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế của mình.
Cuối cùng, TPP không phải là con đường một chiều. Các doanh nghiệp Mỹ vốn đã chuẩn bị để hưởng những lợi ích từ TPP sẽ phải thay đổi kế hoạch của mình. TPP lẽ ra đã có thể xóa bỏ rào cản thuế của Việt Nam áp dụng cho các mặt hàng sản xuất tại Mỹ và đẩy mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ. Điều này khuyến khích các nhà sản xuất tại Mỹ trong các lĩnh vực như linh kiện, hóa chất công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, sản xuất nông nghiệp.
Các công ty xuất khẩu Mỹ cũng đã dự đoán trước nhu cầu cao về phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam và tiềm năng trong việc cung cấp các sản phẩm trong chuỗi cung ứng công nghiệp đang phát triển tại đây. Các công ty của Mỹ đã đạt được rất nhiều thành công ở Việt Nam mà không có TPP và điều này sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, cũng có một số cơ hội kinh doanh sẽ bị mất vào tay các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á và châu Âu. Chúng ta cũng có thể thấy một vài sự thay thế nhập khẩu ở Việt Nam, với những sản phẩm từng là “Made in USA”, nay có thể được chế tạo ở những khu công nghiệp đang rất phát triển ở Việt Nam. Đây là một tin mừng cho các công nhân sản xuất tại quốc gia này.
Warrick Cleine (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia)