Công trình “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường, siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam” do các kỹ sư của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro thực hiện, đã tạo thay đổi mang tính bước ngoặt về công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu “vươn xa tìm dầu, biển sâu tìm dầu”.
Dự án chân đế Thiên Ưng
Làm chủ công nghệ
Trong định hướng phát triển của Vietsovpetro, việc nỗ lực tìm kiếm và khai thác các mỏ mới ở vùng nước sâu, xa bờ là ưu tiên hàng đầu. Để chủ động trong công việc, tiến độ và tiết kiệm ngân sách nhà nước, việc có thể tự chế tạo, hạ thủy, lắp đặt các chân đế siêu trường, siêu trọng với độ sâu hơn 100m nước là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, để thực hiện công trình này là một bước dài hơi trong chuẩn bị về cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.
Nhằm khắc phục những khó khăn khi chuyển từ công nghệ 50-70m nước sang trên 100m nước, công trình đã nghiên cứu, tính toán và đưa ra các giải pháp tối ưu nhất cho việc chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường, siêu trọng trong vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam như nghiên cứu, phân tích, lựa chọn các phương án chế tạo bằng cách tổ hợp các khối lớn; nghiên cứu tính toán phương án hạ thủy chân đế bằng phương án kéo trượt; nghiên cứu tính toán phương án lắp đặt chân đế bằng phương án phóng.
Đại diện nhóm tác giả - Kỹ sư Trần Xuân Hoàng - cho biết, trong điều kiện giới hạn về thiết bị và nguồn lực, công trình đã có tính sáng tạo mang tính đột phá. Trong đó, điểm nổi bật nhất là lần đầu áp dụng phương án quay nâng lật khối panel lớn sử dụng nhiều cẩu đồng thời (6 cẩu) kết hợp kích nâng thủy lực và hệ thống tie - back (có vai trò chằng giữ trong quá trình quay lật). Bên cạnh đó, lần đầu tiên một nhà thầu trong nước có thể thực hiện phóng chân đế bằng một sà lan chuyên dụng trong nước.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện lắp đặt chân đế giàn Thiên Ưng (nặng 6.500 tấn), trước khó khăn hạn chế sức nâng của tàu cẩu Hoàng Sa, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục phát triển thêm phương pháp “Self Upending” (chân đế tự động quay lật về phương thẳng đứng sau khi phóng từ sà lan chuyên dụng) để thi công lắp đặt.
Giảm nhập siêu hàng triệu USD
Kỹ sư Trần Xuân Hoàng khẳng định, công trình có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ an ninh biển đảo của tổ quốc. Kết quả công trình đã giảm việc thuê nhà thầu nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập siêu, đồng thời có đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học công nghệ trong ngành dầu khí Việt Nam.
Cụ thể, bằng việc thực hiện thành công các dự án lớn trọng điểm như dự án phát triển mỏ Đại Hùng, dự án phát triển mỏ Biển Đông 1, dự án phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô, dự án Thiên Ưng đã giúp Việt Nam giảm nhập siêu với tổng giá trị lên đến 294 triệu USD.
Ngoài ra, còn đào tạo được hơn 100 đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý có thể đảm đương được những dự án lớn, trọng điểm ở vùng nước sâu, xa bờ. Đồng thời, đem lại công ăn việc làm cho một đội ngũ lớn người lao động.
Thành công này đã minh chứng cho tiềm lực ngành xây lắp công trình khai thác dầu khí biển ở Việt Nam. Hiện nay, Vietsovpetro đã có đầy đủ điều kiện và uy tín để tham gia đấu thầu các dự án lớn trong lĩnh vực này ở trong nước và trên thế giới.
Công trình đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ lựa chọn là 1 trong 7 công trình xuất sắc được xét tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 5 năm 2016. |
Quỳnh Nga / baocongthuong.com.vn