Tính đến 31/12/2017, cả nước đã chi 2,821 tỷ USD để nhập khẩu dược phẩm, phục vụ nhu cầu chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Với tốc độ chi nhập khẩu dược phẩm không ngừng gia tăng mạnh mẽ, năm 2018, nhập khẩu dược phẩm sẽ vượt 3 tỷ USD. |
Như vậy, chi nhập khẩu dược phẩm cả năm 2017 đã tăng hơn 10% so với mức 2,563 tỷ USD của năm 2016. Riêng trong tháng 12/2017, lượng dược phẩm nhập khẩu về đã đạt 222 triệu USD.
Hai thị trường cung cấp dược phẩm lớn nhất cho Việt Nam trong năm qua vẫn Pháp và Đức chiếm 45,4% đạt lần lượt 301 triệu USD và 292,1 triệu USD trong 11 tháng 2017, tăng tương ứng 1,04% và 37,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ chỉ đứng thứ ba sau Pháp và Đức, nhưng mức độ tăng vượt trội gấp hơn 40 lần so với 11 tháng năm 2016.
Ngoài những thị trường kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu dược phẩm từ Hoa Kỳ, Anh, Thái Lan, …..
Nhìn chung, 11 tháng đầu năm 2017 nhập khẩu dược phẩm từ các thị trường đều tăng về kim ngạch chiếm 67,7% và ngược lại chiếm 32,2%.
Không chỉ nhập từ thị trường Ấn Độ tăng mạnh, nhập từ thị trường Nga cũng có tốc độ tăng khá, gấp hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Chi nhập khẩu dược phẩm liên tục gia tăng trong những năm qua. Nếu năm 2016, Việt Nam chi 2,563 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, và con số này ở các năm 2015 và 2014 lần lượt là 2,32 tỷ USD và 2,035 tỷ USD thì đến cuối năm 2017 đã tăng xấp xỉ 2,9 tỷ USD.
Với tốc độ chi nhập khẩu không ngừng gia tăng mạnh mẽ, năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm nhiều khả năng vượt 3 tỷ USD .
Theo số liệu của Business Monitor International – BMI, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá lạc quan, với doanh thu năm 2017 thị trường dược trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.
Chi tiêu cho tiêu dùng thuốc ngày càng gia tăng, do tăng trưởng kinh tế, đời sống đi lên, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe…là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng về doanh thu của thị trường dược phẩm trong nước.
Báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam dừng ở 9,85 USD vào 2005, đã tăng lên 22,25 USD trong năm 2010 và đạt xấp xỉ 38 USD vào năm 2015.
Thế Hoàng / baodautu