Túi tiền hạn hẹp, sở hữu xe lần đầu, nhiều người dân sắm ô tô cũ giá tầm giá 200-300 triệu để phục vụ gia đình những chuyến về quê hay du Xuân. Và không ít tình huống dở khóc dở cười vì bất cẩn khi mua xe cũ.
Ngậm bồ hòn làm ngọt
Trà dư tửu hậu ngày khai Xuân Canh Tí, anh Phạm Xuân Hùng (quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn không quên kỷ niệm nhớ đời của khoảng thời gian này vào dịp Tết năm ngoái, khi lần đầu tiên sở hữu chiếc 4 bánh- Daewoo Lacetti CDX đời 2009 với giá 260 triệu đồng.
Chia sẻ với PV VietNamNet, anh kể: Đó là chiếc xe còn khá đẹp, không gian nội thất rộng rãi, đầy đủ options cần thiết và quan trọng nhất là “vừa miếng” với túi tiền của hai vợ chồng.
Mua xe cũ cần được tìm hiểu kỹ (ảnh mang tính minh họa)
Anh mua được chiếc xe này từ một người chủ ở Gia Lâm (Hà Nội) rao bán trên một website nổi tiếng về xe cũ. Hồi mới “tậu” được xe, anh đã rất hồ hởi bởi chiếc xế hộp cũ vẫn đáp ứng đủ mọi tiêu chí mà anh mong muốn và mang lại tiện ích lớn khi đi chơi Tết.
Thế nhưng, qua Tết khoảng hơn 1 tháng, anh phát hiện chiếc xe có nhiều vấn đề. Một buổi sáng chuẩn bị đi làm, anh Hùng phát hiện chiếc xe không thể vào được số lùi. Anh phải nhờ người đẩy và vất vả lắm mới đưa xe vào được một gara quen. Chi phí sửa hộp số mà anh Hùng phải bỏ ra sau đó là gần 20 triệu đồng.
Trong quá trình sử dụng, anh Hùng còn phát hiện ra hàng tá lỗi của chiếc Lacetti liên quan đến hệ thống gầm, phanh, điều hoà, bơm xăng và điện. Trung bình, cứ 1-2 tuần, anh lại ngậm ngùi đưa “vợ hai” đi sửa chữa, bảo dưỡng, chi phí mỗi lần đều hết đến cả tiền triệu. Vừa xót của, lại vừa bực mình, anh đã nhiều lần tìm cách liên hệ với chủ cũ để “bộc bạch” nhưng số điện thoại người này đã không liên lạc được.
“Sau 6 tháng sử dụng, riêng tiền sửa chữa, bảo dưỡng và thay đồ, tôi đã chi vào xe đến gần 40 triệu đồng, thế mà chiếc xe vẫn như “đi mượn”. Tôi cũng không dám nói hết với vợ vì sợ bị cằn nhằn. Cuối cùng, tôi quyết định bán nhanh cho một gara với giá 220 triệu” – anh Hùng kể lại.
Tương tự tình cảnh trên là trường hợp của anh Nguyễn Việt Thắng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng phải “ngậm bồ hòn” khi khoảng 1 tháng trước Tết Canh Tý vừa qua, anh “xuống tiền” mua một chiếc Toyota Vios đời 2014 với giá 310 triệu đồng.
Do cần xe đi Tết, lại thấy chiếc xe có giá khá mềm, đời còn mới, anh chỉ xem qua rồi đặt tiền luôn.
Thiếu kinh nghiệm, lại bị mê hoặc bởi những lời có cánh của người bán xe, anh Thắng đã không đưa xe đến hãng để kiểm tra. Đến khi đi bảo dưỡng tại một gara quen sau khi mua xe vài tuần, anh “rụng rời” khi nhân viên tại đây khẳng định, xe của anh đã từng chạy taxi và bị “tua” lại công-tơ-mét đến cả chục vạn km. Để chứng minh, nhân viên này đã chỉ ra dấu vết vị trí từng lắp “mắt thần” trên táp-pi cánh cửa và một vài chỗ cũ bất thường so với xe gia đình sử dụng.
Anh Thắng tự an ủi mình rằng, có thể chiếc xe vẫn còn tốt. Thế nhưng, ngay trong dịp Tết vừa rồi, cả gia đình 4 người của anh đã phải khổ sở trong những chuyến hành trình, nhiều lần suýt “nằm đường” khi xe có hiện tượng tụt hơi khi đang di chuyển và rất dễ chết máy. Ngoài ra, phần gầm xe cũng phát ra những tiếng kêu lộc xộc rất khó chịu.
“Xe thì tôi đã xem và đi thử rồi mới mua, cũng khó “bắt đền” người bán được. Chỉ cần một lần không cẩn thận, giờ cả nhà phải ôm “cục tức”. Sắp tới tôi sẽ quyết tâm bán xe, rẻ cũng phải bán” – anh Thắng cho hay.
Đừng vì ham rẻ, mua xe trôi nổi
Thị trường xe hơi cũ khoảng 5-7 năm trở lại đây phát triển rất mạnh, đáp ứng nhu cầu sở hữu xế hộp ngày càng tăng của nhiều người dân. Với những gia đình có thu nhập thấp, lần đầu đi mua xe, phân khúc xe giá khoảng trên dưới 200 – 300 triệu đồng được lựa chọn khá nhiều. Và những những câu chuyện dở khóc dở cười khi đi mua xe cũ như anh Thắng, anh Hùng không phải là ít. Nguyên nhân chính vẫn là sự chủ quan và thiếu kiến thức khi tìm hiểu và mua xe.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, anh Dương Trung Kiên, chủ một salon ô tô cũ tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tại cơ sở kinh doanh của anh, khoảng 70% là các xe tầm giá từ gần 200 đến trên 300 triệu đồng. Nhiều nhất là các dòng xe như Vios, Escape, Mondeo, Morning, Cerato, Lacetti… đã qua sử dụng từ 5 -10 năm.
“Xe tầm giá này bán rất dễ vì nhu cầu mua cao, lại chủ yếu là các dòng xe phổ thông đã quen thuộc với nhiều người nên khách quyết định mua rất nhanh".
"Mông má" lại xe cũ trước khi bán là chiêu phổ biến của giới buôn xe
Nhưng anh Kiên cũng cho biết, ngay cả với người buôn bán xe cũ, việc kiểm tra đầu vào là cực kỳ quan trọng, huồng hồ là các cá nhân mua xe. Để trụ được trên thị trường, các salon lớn có uy tín thường sẽ kiên quyết không nhập về những xe có lỗi để bán cho khách hàng.
Trên thực tế, ô tô đã hoạt động trên dưới 10 năm sẽ không tránh khỏi hỏng hóc, bệnh vặt. Nếu bảo dưỡng định kỳ thường xuyên, những chiếc xe cũ chục năm tuổi vẫn còn chạy tốt. Và việc “mông má” lại xe trước khi bán lại là chuyện bình thường của giới buôn bán xe.
Nhưng trong đó, cũng có cả một số dân buôn chuyên nghiệp còn thu mua xe từng bị ngập nước, tai nạn nặng với giá siêu rẻ rồi “phù phép” thành diện mạo mới lành lặn, bóng lộn.
Do vậy, nếu mua một chiếc xe cũ “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc sẽ rất dễ dính xe lỗi ngoài ý muốn.
Các chuyên gia sửa chữa ô tô vẫn luôn khuyến cáo, người mua xe cũ cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và thông tin xe, nên nhờ tư vấn của những người am hiểu hoặc có chuyên môn về ô tô và đừng quá ham giá rẻ. Để chắc chắn hơn, khách nên mang xe ra gara kiểm tra chất lượng, đi thử xe trước khi xuống tiền.
Một chuyên gia ô tô mách nước, hiện nay, một số hãng ô tô cũng có bán xe đã qua sử dụng, giá cao hơn ngoài thị trường nhưng sẽ yên tâm hơn vì đã được kiểm tra kỹ lưỡng.
Theo Nguyễn Hoàng / vietnamnet