Đó là khẳng định của đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) khi nói về làn sóng đầu tư dệt may thời gian qua, cũng như thực tế nội tại của ngành khi khối ngoại đang đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu
Doanh nghiệp FDI đang đóng góp tới 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may.
Năm 2016, Vinatex, doanh nghiệp dệt may có vốn Nhà nước, đóng góp hơn 10% kim ngạch xuất khẩu đã triển khai đầu tư 41 dự án đầu tư bao gồm 9 dự án sợi, 9 dự án dệt nhuộm, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị, với tổng mức đầu tư toàn Tập đoàn là 5.523 tỷ đồng.
Dẫu năng lực sản xuất đã được tăng lên nhanh chóng nhờ chi đầu tư hàng năm, nhưng các doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn đang bị khối ngoại bỏ lại rất xa.
Thời gian qua, làn sóng FDI đổ vào ngành dệt may liên tục tăng với kỳ vọng về việc hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Về mặt tích cực, các doanh nghiệp FDI thường sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam. Đây là nguồn lực mới cho các doanh nghiệp dệt may về thiết bị, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, lao động có kỹ năng từ các quốc gia phát triển.
Ông Cao Hữu Hiếu, Trưởng ban Đầu tư Vinatex cho hay,, không thể phủ nhận là doanh nghiệp Dệt May Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ làn sóng FDI.
Theo thống kê, doanh nghiệp FDI chiếm 25% tổng số doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, tuy nhiên lại chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may từ Việt Nam, sở hữu nhiều điểm mạnh mà doanh nghiệp nội còn yếu và thiếu.
Cụ thể, doanh nghiệp FDI đã có kinh nghiệm và mô hình phát triển từ trước, vì vậy khi đầu tư vào Việt Nam họ đầu tư một cách bài bản, quy mô lớn, máy móc thiết bị hiện đai, dây chuyền khép kín từ khâu nguyên liệu sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và cắt may.
Đồng thời họ cũng có sẵn thị trường đầu ra, là những khách hàng quen thuộc và lâu năm, là những nhà bán lẻ nổi tiếng, có thương hiệu và sức tiêu thụ lớn trên toàn cầu. Họ là những doanh nghiệp lớn, ngoài kinh nghiệm và đội ngũ lao động tốt, họ còn có lợi thế về vốn.
Đơn cử, Texhong sẵn sàng bỏ ra 450 - 500 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỷ đồng, để đầu tư một dự án tại Việt Nam.
“Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đặc biệt là các doanh nghiệp FDI lớn từ Trung Quốc, họ có trình độ công nghệ, kỹ thuật cao, có kinh nghiệm và đầu ra lớn”, ông Hiếu nói.
Các chuyên gia trong ngành dệt may thừa nhận, trong giai đoạn trước đây, do hạn chế về nguồn vốn, cũng như không thu hút được nhiều nhà đầu tư để xây dựng các nhà máy dệt, nhuộm, hoàn tất..., nên trong chuỗi giá trị của ngành dệt may Việt Nam mới chỉ phát huy được sức mạnh trong công đoạn đầu là sợi và công đoạn cuối cùng là may.
Vì vậy, thời gian tới đây, trong chiến lược phát triển của mình, Vinatex sẽ tập trung đầu tư cũng như kêu gọi đối tác FDI cùng đầu tư vào các dự án dệt, nhuộm, hoàn tất và nguyên phụ liệu, là chiến lược quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành, tạo giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Muc tiêu là vậy, nhưng trên thưc tế việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ngoại cũng không dễ dàng gì. Chưa kể, các doanh nghiệp FDI cũng ngại đầu tư vào khâu thượng nguồn.
Cũng do xuất phát điểm của dệt may Việt Nam thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nguồn vải nhập khẩu hiện chiếm khoảng 80% tổng nhu cầu, tạo ra tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, tỷ lệ nội địa hóa chỉ trên 50%, đã tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương.
Thế Hoàng / baodautu