Nếu xuất khẩu trái cây, rau củ trong 5 tháng đầu năm 2017 được “tuyên dương”, bởi mức tăng 38% so với cùng kỳ 2016, đạt 1,38 tỷ USD, thì ở chiều ngược lại, rau củ quả nhập ngoại cũng ùn ùn vào thị trường nội địa với tốc độ tăng chóng mặt.
Chi 470 triệu USD nhập khẩu rau quả
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 5/2017 đạt 154 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu rau quả 5 tháng đầu năm tăng đến 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 470 triệu USD.
Trước đây, Trung Quốc luôn được xem là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất sang Việt Nam, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, rau củ quả từ Thái Lan đã đổ về Việt Nam với tốc độ tăng phi mã, đưa Thái Lan trở thành thị trường cung cấp rau quả lớn cho Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, trong khi nhiều nông sản của Việt Nam sản xuất không có đầu ra, như dưa hấu, thanh long, chuối… thì rau quả nhập khẩu ùn ùn về Việt Nam, với giá trị ngày một lớn, lại được thị trường trong nước tiêu thụ mạnh mẽ.
Các loại rau củ quả của Thái Lan thâm nhập vào Việt Nam, thông qua đại siêu thị bán lẻ, chuỗi siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích... với mẫu mã bắt mắt, giá cả tương đương với mặt hàng trong nước, nên dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn.
Tổng giá trị nhập khẩu rau quả 5 tháng đầu năm tăng đến 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 470 triệu USD, trong đó, rau ước tính đạt 100 triệu USD, tăng 49%; quả đạt trên 353 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2016.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan, chiếm gần 50% tổng giá trị nhập khẩu; Trung Quốc, chiếm 20% giá trị nhập khẩu; Tiếp đó là Brazil, Mỹ, Hàn Quốc, Australia…
Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, một trong những nguyên nhân khiến tình hình nhập khẩu rau quả từ Thái Lan tăng mạnh là do các tập đoàn bán lẻ Thái Lan đã mua lại 2 đại siêu thị bán lẻ, bán buôn lớn nhất tại Việt Nam là Big C và Metro (trong năm 2015 và 2016). Các đại siêu thị này giúp thúc đẩy hoa quả Thái vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp Thái Lan cũng đẩy mạnh đưa hàng rau quả Thái Lan qua các kênh phân phối lẻ vào các cửa hàng chuyên doanh.
Bên cạnh đó, từ năm 2015, Việt Nam cũng đã xóa bỏ gần như 100% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường từ Thái Lan, nên hoa quả, bánh kẹo Thái Lan được hưởng lợi từ chính sách này.
Tốc độ gia tăng quá mạnh của rau quả nhập khẩu đã khiến Tổng cục Hải quan đưa ra cảnh báo, trong 2 năm trở lại đây, nhập khẩu hoa quả từ Thái Lan về Việt Nam tăng rất mạnh, thực trạng đáng báo động vì trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam đang sản xuất được.
Mập mờ xuất xứ Rau quả nhập khẩu
Các mặt hàng rau củ quả được nhập về nội địa trong 5 tháng đầu năm chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry có xuất xứ từ New Zealand, Australia; các mặt hàng xoài, mãng cầu, me từ Thái Lan; rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là táo, lê, mận, cam bắp cải, xà lách, khoai tây...
Mặc dù, Trung Quốc và Thái Lan là 2 thị trường cung cấp khoảng 70% trái cây cho Việt Nam, nhưng trên thị trường, không nhiều tiểu thương giới thiệu về xuất xứ thật của sản phẩm mà khẳng định là hàng Mỹ, Australia…
Hầu hết các công ty nhập khẩu trái cây đều có đầu ra chủ yếu là phân phối cho hệ thống siêu thị hoặc hệ thống phân phối riêng, còn nếu phân phối cho các chợ đầu mối thì không thể cạnh tranh được về giá, do mức chênh lệch giá cùng một loại táo tại chợ đầu mối và đơn vị nhập khẩu có khi lên tới 35.000 - 45.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Chúc, Phó giám đốc Công ty Nhập khẩu trái cây Fruit and Green cho rằng, hiện chưa có một quy định nào về quản lý tem nhãn trái cây ở Việt Nam, bởi vậy, trái cây nhập khẩu dán tem nhãn không rõ nguồn gốc xuất xứ khá phổ biến trên thị trường.
Các chuyên gia nông nghiệp dđánh giá, không phải cứ trái cây, rau củ nhập khẩu là đảm bảo an toàn, bởi thực tế, ngoài lượng hàng hóa nhập khẩu chính ngạch, vẫn còn lượng lớn trái cây nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, khó kiểm soát về mặt chất lượng. Và quan trọng hơn, khi tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng còn lớn, thì những sản phẩm trái cây nhập khẩu chưa thực sự an toàn vẫn có chỗ tiêu thụ với giá không hề rẻ.
Việc trái cây rau củ ngoại nhập từ nhiều thị trường về nội địa là điều không thể tránh khỏi, khi Việt Nam đã mở cửa thị trường, với nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Cụ thể, trong thời gian tới, trái cây từ châu Âu sẽ đổ về Việt Nam nhiều hơn khi Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi.
Việc trái cây đến từ châu Âu, cùng với trái cây đến từ Thái Lan, Trung Quốc… ồ ạt vào Việt Nam sẽ tiếp tục tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu, không chỉ đơn thuần về giá cả, mẫu mã, mà còn ở quy trình sản xuất hàng hóa. Và bài toán tìm đầu ra cho nông sản Việt vẫn khó càng thêm khó.
Thế Hải / baodautu