Việt Nam đã vượt Myanmar và chỉ đứng sau Philippines trong khu vực ASEAN về chỉ số PMI.
Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng mạnh trở lại trong tháng 6/2017. Ảnh: Internet |
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng lên 52,5 điểm trong tháng Sáu so với 51,6 điểm - mức thấp của 14 tháng được ghi nhận trong tháng Năm, nhờ sự tăng trưởng mạnh của đơn hàng, Nikkei và IHS Markit cho biết.
Trong số các nước ASEAN, chỉ số PMI của Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau Philippines (53,9 điểm). Trong tháng 4/2017, Việt Nam đứng đầu khu vực về chỉ số này 3 tháng liên tiếp và chỉ tụt xuống vị trí thứ ba vào tháng Năm.
Kết quả chỉ số mới nhất cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ, và là kết quả cao hơn mức trung bình của chỉ số kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.
Sau khi chậm lại đáng kể trong tháng Năm, tốc độ tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh trở lại trong tháng Sáu, nhờ nhu cầu thị trường mạnh lên. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng Sáu.
Báo cáo cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới tăng, cùng với nhu cầu khách hàng tăng lên, đã giúp sản lượng tăng 8 tháng liên tiếp. Tốc độ tăng đã nhanh hơn so với tháng Năm.
Tốc độ tạo việc làm cũng nhanh hơn trong tháng Sáu khi các nhà sản xuất ở Việt Nam đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn và yêu cầu đối với sản xuất cao hơn. Năng lực hoạt động bổ sung này đã giúp giảm lượng công việc tồn đọng trong một số công ty.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tiếp tục giảm trong tháng Sáu, tức giảm tháng thứ tư liên tiếp xuống mức yếu nhất kể từ tháng 6/2013. Tuy nhiên, kết quả mới nhất vẫn cho thấy sự lạc quan với quan điểm tích cực phản ánh kỳ vọng nhu cầu thị trường tăng, thành công trong việc giành được những đơn đặt hàng mới và các kế hoạch tăng công suất.
“Sản lượng của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng trong tháng Sáu làm giảm bớt một số lo ngại về sự chậm lại đáng kể trong tháng Năm, với mức tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới là đặc biệt đáng khích lệ”, theo Andrew Harker, chuyên gia phân tích tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát.
“Mặc dù giảm nhẹ vào quý I của năm, kết quả chỉ số PMI trung bình trong quý II cho thấy sản lượng của ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. IHS Markit dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,2% năm nay, với những dữ liệu mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục đóng góp tích cực”, Harker nói thêm.
Minh Tuấn / BizLIVE