NSNN chi trả cho nợ công ngày càng tăng. Ảnh TL
Số tiền từ ngân sách Nhà nước (NSNN) phải chi trả hàng năm cho các khoản nợ công cả gốc và lãi đang ngày càng tăng trong các năm gần đây, theo một nghiên cứu về nợ công của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.
Về trả lãi, báo cáo dựa trên số liệu của Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết số tiền từ NSNN chi ra đã tăng cao, ước tính lên 83.410 tỉ đồng năm 2015 từ mức 68.059 tỉ đồng năm 2014, 48.130 tỉ đồng năm 2013, 39.884 tỉ đồng năm 2012, và 29.786 tỉ đồng năm 2011.
Như vậy, chi trả lãi đã chiếm một tỉ lệ lớn trong thu chi ngân sách. Cụ thể, so với tổng chi, chi trả lãi chiếm tỉ lệ ngày càng lớn, từ 3,2% năm 2010 tăng lên 6,7% năm 2014.
Xét về số tuyệt đối thì chi trả lãi năm 2014 tăng gấp 2,6 lần so với năm 2010. Chi trả lãi chỉ thấp hơn chi cho giáo dục đào tạo (chiếm 17,3%), lương hưu và an sinh xã hội (10,8%) và quản lý hành chính (9,7%) và lấn át các khoản chi thường xuyên khác. Tỉ lệ thu ngân sách dành để trả lãi thường xuyên ở mức cao, ước tính lên đến 9,2% cho năm 2015.
Báo cáo cảnh báo: “Ngân sách trả nợ lãi đang làm xói mòn nguồn vốn cho đầu tư phát triển là một hậu quả trực tiếp của tỉ lệ nợ công cao”.
Về chi trả nợ gốc, báo cáo cho biết NSNN đã chi trả ước tính 65.060 tỉ đồng năm 2015, 50.691 tỉ đồng năm 2014, 55.570 tỉ đồng năm 2013, 55.405 tỉ đồng năm 2012, và 63.440 tỉ đồng năm 2011.
Trong năm 2010, số nợ gốc phải trả là 62.600 tỉ đồng, chi từ ngân sách để trả nợ gốc là 62.500 tỉ đồng. Tới năm 2013, tổng nợ gốc phải trả tăng lên gấp đôi (125.800 tỉ đồng) trong khi chi ngân sách để trả nợ gốc là 55.600 tỉ đồng, khối lượng nợ gốc phải đảo nợ là 70.200 tỉ đồng.
Quy mô đảo nợ tiếp tục tăng lên mức 77.000 tỉ đồng trong năm 2014. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là việc phần lớn trái phiếu phát hành kể từ 2009 có kỳ hạn rất ngắn, 1-3 năm. Thời điểm đáo hạn số nợ này bắt đầu từ 2011 nên tổng nợ gốc phải trả tăng mạnh. Sự xuất hiện của các loại tín phiếu ngắn hạn (kì hạn 3 và 6 tháng, đáo hạn trong năm) cũng đẩy số nợ gốc phải trả tăng lên.
Báo cáo nhận xét, do tỷ lệ lớn nợ công được huy động bằng nguồn trong nước, rủi ro xảy ra khủng hoảng thanh toán nợ ở Việt Nam về lý thuyết là không lớn. Tuy nhiên mặt khác, nợ công trong nước cũng đang gây những tác động tiêu cực đến nền kinh tế như làm tăng mặt bằng lãi suất, ảnh hưởng đến đầu tư khu vực tư nhân, và tạo ra áp lực lạm phát trong trung hạn.
Tuy nhiên quan trọng hơn, báo cáo cảnh báo rằng tác động tiêu cực của nợ công cần được hiểu về bản chất như là rủi ro tích lũy của chính sách tài khóa lỏng lẻo và chi tiêu đầu tư công thiếu hiệu quả. Mức trần nợ công cần được xem xét dưới giác độ một ràng buộc cứng để cải thiện hiệu quả của chính sách tài khóa, bên cạnh ý nghĩa là ngưỡng an toàn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ công có thể xảy ra trong tương lai.
Vì lý do đó, việc duy trì mức trần nợ công cố định có ý nghĩa thiết yếu trong kiểm soát các rủi ro vĩ mô trong trung hạn. Thay vì nới rộng trần nợ công, cần thực hiện các biện pháp cứng rắn để đưa và duy trì nợ công ở ngưỡng cho phép.
Tư Hoàng / thesaigontimes.vn