Nghiên cứu mới công bố của Nielsen cho thấy “tiện lợi” hiện không chỉ là nói đến cửa hàng, mà nó đã và đang dần trở thành một lối sống của người Việt.
Ảnh minh họa.
“Tiện lợi” là lối sống
Theo nghiên cứu của Nielsen, với nhịp sống ngày càng nhanh hơn và quy mô hộ gia đình Việt ngày càng nhỏ dần, người Việt mong muốn tiện lợi trong mọi vấn đề, đặc biệt là việc lựa chọn cửa hàng để đi mua sắm.
Gần 6 trong 10 người mua hàng Việt Nam nói rằng quyết định lựa chọn cửa hàng của họ bị ảnh hưởng bởi vị trí thuận lợi của cửa hàng đó. Hơn nữa, gần 5/10 người tiêu dùng cho biết việc dễ dàng lựa chọn và mua sắm sản phẩm trong một cửa hàng được thiết kế và trưng bày hàng hóa hợp lí cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn nơi mua sắm.
“Tiện lợi không chỉ là nói đến cửa hàng, mà nó đã trở thành một lối sống...
...các nhà bán lẻ cần phải xem xét các cửa hàng của họ sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược bán lẻ đa kênh của họ (omnichannel) và làm thế nào để họ có thể sử dụng chúng nhằm tăng cường các dịch vụ của họ cũng như cung cấp giá trị cho mỗi chuyến mua hàng của người tiêu dùng.”, Roberto Butragueño, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Bán Lẻ - Nielsen Việt Nam đưa ra nhận định.
Chiến thuật “biển người” của chuỗi cửa hàng tiện lợi
Theo như danh sách cấp phép về an toàn thực phẩm trên Cổng thông tin về của Sở Công Thương TPHCM thì đến thời điểm này tại thị trường Sài Gòn số lượng cửa hàng Circle K của Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ hiện là 150 cửa hàng, số lượng cửa hàng Family Mart của Công ty TNHH Cửa hàng Tiện lợi Gia đình Việt Nam vào khoảng 70 cửa hàng và chuỗi B’s Mart thuộc Công ty TNHH B’s Mart có 98 cửa hàng, chuỗi Shop & Go của Công ty Cổ phần Cửa Hiệu và Sức Sống có 111 cửa hàng...
Sự thay đổi dễ nhận ra trong thời gian gần đây là các cửa hàng tiện lợi từ các thương hiệu này đang có xu hướng phát triển thành mô hình “lai” trong việc cung ứng đa dạng mặt hàng bách hóa và quán cà phê thức ăn nhanh.
Tại Sài Gòn, tốc độ mở cửa hàng của chuỗi Circle K có vẻ nhỉnh hơn các đối thủ khác, trong cùng 1 khu dân cư chuỗi này mở từ 2 – 3 cửa hàng cách nhau chỉ khoảng 500m, đơn cử như ở phường 11 quận 6 TPHCM (số 18 và 27 đường Bình Phú, 5A đường Chợ Lớn). Chuỗi này cũng đã thay đổi nhận diện cửa hàng với biển hiệu mới giống như của công ty mẹ tại Mỹ với dòng chữ logo Circle K viết nguyên thay cho chữ K.
Lý giải cho việc tăng tốc nhanh chóng số cửa hàng trong thời gian ngắn, ông Tony Yang, Giám đốc Circle K Việt Nam cho biết, Circle K tại Việt Nam được đầu tư theo hình thức nhượng quyền từ Circle K (Hoa Kỳ), sau khi được tái cấu trúc vào đầu năm 2015, Circle K đã phát triển theo định hướng tập trung vào dịch vụ 4F (Fresh-tươi ngon; Friendly-Thân thiện; Fast-Nhanh chóng và Full: đầy đủ).
Theo đó, từ một cửa hàng chỉ bán sản phẩm tiêu dùng theo mô hình cửa hàng tiện lợi, Circle K đã đầu tư các dịch vụ từ thực phẩm thức ăn nhanh (theo mô hình chế biến tại chỗ, tuỳ theo khẩu vị và nhu cầu thực khách); hình thành các nhãn hiệu nước uống riêng và cung cấp thêm các tiện ích như chỗ ngồi; Wifi miễn phí… để đưa các cửa hàng Circle K vừa là nơi bán sản phẩm, hàng hóa nhưng cũng là nơi trao đổi, gặp gỡ của giới trẻ theo mô hình tiện lợi và phục vụ liên tục 24/24h.
Theo ông Yan: “Chính nhờ phục vụ liên tục chính là lý do khiến Circle K trụ và phát triển mạnh tại thị trường Hà Nội” và ông đánh giá “Dư địa thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam còn rất lớn. Circle K cam kết, chúng tôi có mặt ở đây là để đóng góp vào sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam”.
Dư địa còn rất lớn
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là đa dạng với tiềm năng phát triển lâu dài vì là một thị trường có dân số trẻ đang phát triển lớn mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tốc độ đô thị hóa cao.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho hay, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm.
Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ, chỉ chủ yếu phân phối hàng theo từng đợt.
Vì vậy, một thị trường có đến nửa triệu cửa hàng tạp hóa hộ gia đình so với khoảng 2.000 cửa hàng tiện lợi hiện nay (nếu tính gộp tất cả các mô hình gồm cửa hàng tiện lợi 24/24, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, siêu thị mini) sẽ là một không gian rộng lớn để các nhà kinh doanh tiếp tục tạo lập thị trường và xoay sở cạnh tranh.
Duy Khánh / Trí Thức Trẻ