Chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời nhà Lý, nơi đặt vạc Phổ Minh - một trong tứ đại khí của Đại Việt. Tháp Phổ Minh được xây dựng từ năm 1308 gồm 14 tầng, cao 19,5m.
Chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ có bảo tháp "khổng lồ" tồn tại hơn 7 thế kỷ
Chùa Phổ Minh (còn gọi là chùa Tháp) tọa lạc ở làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Lịch sử ghi lại, chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời nhà Lý, nơi đặt vạc Phổ Minh - một trong tứ đại khí của Đại Việt. Năm 1262, chùa được mở rộng với quy mô lớn khi xây dựng các cung điện ở Thiên Trường dưới thời nhà Trần.
Chùa Phổ Minh được coi là đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với lịch sử thời nhà Trần. Từ năm 1533 - 1592, công chúa Mạc Ngọc Lâm là người tiếp tục đứng ra tu sửa cảnh quan của ngôi chùa, sau khi bà về chùa tu hành một thời gian.
Kể từ sau đợt trùng tu này, chùa Phổ Minh còn trải qua nhiều lần tu sửa khác nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế với kiểu kiến trúc "nội công, ngoại quốc".
Kiến trúc của chùa Phổ Minh gồm có Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện được xếp theo hình chữ "công", nhà tổ, phủ mẫu. Trong khuôn viên chùa còn nhiều hiện vật mang dấu ấn nghệ thuật chạm khắc của thời Trần như chân tảng hoa sen, rồng đá, sóc đá…
Điểm đặc biệt phải nói đến bộ cửa gian giữa Tiền đường gồm 4 cánh làm bằng gỗ lim, to dày; có chạm rồng, sóng nước, hoa văn. Hai cánh cửa ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu Mặt trời, khi đóng cửa lại thì 2 con rồng tạo thành hình lá đề - biểu tượng của Phật giáo.
Trong chùa đang thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra dưới triều Trần. Trong đó, chính giữa là tượng Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn (tư thế nằm nghiêng), cả bức tượng được đặt trong 1 khám thờ khối hình chữ nhật; bên trái là tượng Pháp Loa và bên phải là tượng Huyền Quang.
Điểm nổi bật gây sự chú ý nhất trong khuôn viên sân chùa Phổ Minh chính là tháp Phổ Minh và 2 nhà bia đá.
Trong đó, tháp Phổ Minh được đặt giữa sân chùa, trước Tiền đường ngôi chùa.
Theo sử sách ghi chép lại, tháp Phổ Minh được xây dựng từ năm 1308 theo lối truyền thống phổ biến thời văn hóa nhà Trần với kiểu dáng hình vuông; gồm 14 tầng; cao 19,5m. Ở các tầng đều trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái...
Đỉnh tháp là một khối đá tạo dáng hình bông sen bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau như: Đỉnh búp sen thuôn mập, gồm 5 lớp cánh sen ngửa, chụm; trong đó lớp cuối cùng có viền kép và có đường sống nổi ở giữa. Toàn bộ búp sen được đặt trên một khối đất nung, dáng thuôn phình hai tầng màu đỏ.
Trong đó, đế tháp Phổ Minh được làm toàn bộ bằng đá, các tảng đá có nhiều kích thước khác nhau, được chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước và toàn bộ đế mang hình ảnh của 1 cỗ kiệu.
Thân tháp có 14 tầng, các tầng tháp mang dáng dấp chung, nhưng có khác nhau một số chi tiết. Tầng 1 được xây hoàn toàn bằng đá xanh, từ tầng 2 trở lên được xây bằng gạch, trát vữa kín. Bảo tháp này đã từng xuất hiện trong tờ tiền có mệnh giá 100 đồng của Việt Nam.
Bia đá bên phải là Phổ Minh thiền tự bi khắc năm 1668 nói về việc xây dựng và trùng tu chùa. Bia đá bên trái là Bảo tháp từ bi khắc năm 1916 nói về tháp Phổ Minh. Cả 2 bia đá được đặt trên lưng rùa đá.
Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, tạo tác vào thế kỷ 17. Trước 2 cột kinh lớn là 2 cột kinh nhỏ, được tạo tác tinh xảo, theo hình hoa sen; trên đỉnh chạm cánh sen.