Lo ngại nếu kéo dài giãn cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, xã hội, Hà Nội đã thay đổi phương thức phòng, chống dịch với chiến lược được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ".
Chiến lược phân vùng chống dịch được Thành ủy Hà Nội đánh giá là "chưa từng có tiền lệ" (Ảnh: Sở TTTT Hà Nội).
Chiến lược "chưa từng có tiền lệ"
Từ 6h ngày hôm nay (6/9), Hà Nội chính thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phân vùng. Trong đó, Vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là "vùng đỏ" - nơi tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.
Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng), được phân cách với Vùng 1 bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống, được đánh giá là vùng có tính "độc lập" cao.
Vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố) là nơi sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp; có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.
Nhiều khu vực trong Vùng 1 - "vùng đỏ" của Hà Nội đang bị cách ly y tế dài ngày (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, do đây là việc "chưa từng có tiền lệ" nên thành phố xác định quyết tâm rất cao, siết chặt hơn nữa việc giãn cách trong khu vực nội thành; tăng cường kiểm tra giám sát, hạn chế đến mức tối đa lượng người ra đường.
Nhấn mạnh một số mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới, ông Phong cho biết, thành phố sẽ tập trung giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn; tăng cường đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, nhất là đối với khu vực có nguy cơ cao, có giải pháp phù hợp từng địa bàn, đối tượng. Đồng thời, đẩy mạnh việc tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, cấp đến đâu tiêm ngay đến đó…
Mới đây, tại buổi thị sát việc tổ chức thiết lập 3 vùng trên địa bàn để phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là rất cần thiết sau 3 đợt thực hiện giãn cách toàn thành phố.
Trong đó, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí ở mức độ cao hơn đối với Vùng 1 phải được tổ chức chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.
"Việc tổ chức phân vùng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn chặn dịch bệnh nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh trong cộng đồng, vừa giúp bóc tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Do đó, ngành y tế và các địa phương cần đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội tại Vùng 1 đến ngày 21/9 để kiểm soát dịch" - ông Dũng nhấn mạnh.
Hà Nội phân 3 vùng 1-2-3 tương ứng 3 mức độ dịch đỏ - vàng - xanh, với các hình thức chống dịch khác nhau ở mỗi vùng. (Đồ họa: Khương Hiền).
Kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy
Để siết chặt hơn nữa lượng người di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại Vùng 1, Công an TP Hà Nội đã đảm nhiệm việc cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc cấp giấy đi đường cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Theo đó, có 6 nhóm đối tượng "được phép ra đường" thay vì 5 nhóm như quy định trước đây của UBND TP Hà Nội. Trong đó có nhóm được thủ trưởng cơ quan trực tiếp duyệt, cấp giấy đi đường; có nhóm giấy đi đường phải do Công an TP Hà Nội cấp…
Song song với việc quản lý giấy đi đường, Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng đã thiết lập 39 chốt kiểm soát liên ngành ở Vùng 1, trong đó có 21 chốt loại 1 được đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã phối hợp với chính quyền nhiều địa phương thiết lập 30 "chốt cứng" tại các cây cầu và khuyến cáo người dân không di chuyển qua vị trí này để phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay trong đêm 3/9, 16 chốt đã được dựng bằng rào sắt cứng, người và phương tiện không thể qua lại. 14 chốt còn lại cũng được lập khẩn trương trong ngày 4/9.
30 chốt cứng được lập "thần tốc".
Về cơ chế vận hành liên phân vùng, UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ siết chặt Vùng 1; kiểm soát luồng di chuyển của người và phương tiện từ Vùng 1 sang Vùng 2 và Vùng 3. Tuy nhiên, việc kiểm soát phải đảm bảo vừa khống chế được dịch vừa giữ cho chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gãy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
UBND TP Hà Nội lo ngại rằng, nếu kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế-xã hội (Ảnh: Đỗ Quân).
Ngày 4/9 vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thông báo rộng rãi phương án tổ chức giao thông cho người và phương tiện qua lại giữa các vùng.
Theo đó những người thuộc nhóm "được phép ra đường" có thể đi từ Vùng 1 sang Vùng 2, Vùng 3 và ngược lại nhưng phải qua các điểm chốt theo quy định.
Trước đó, tại Công văn số 2893/UBND-TKBT về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội lo ngại rằng, nếu kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế-xã hội.
Chính vì vậy, đợt giãn cách này Hà Nội làm quyết liệt; yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã coi công tác chủ động tấn công, dập dịch là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm "khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh"; tập trung phát triển kinh tế-xã hội, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời gian giãn cách…
Nhiều địa phương cố gắng, nỗ lực trong đại dịch Theo UBND TP Hà Nội, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp đã chịu nhiều tác động tiêu cực; nhiều chỉ số sản xuất và tiêu dùng của thành phố trong tháng 8 giảm so với tháng 7. Tuy nhiên, thành phố vẫn có một số chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả tích cực, khả quan như: Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán Trung ương giao (đạt 65,4% dự toán thành phố giao), bằng 110,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý (trừ dầu) tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực sản xuất-kinh doanh tăng 28,9% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương án "3 tại chỗ", cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách… Sản xuất nông nghiệp thuận lợi; chăn nuôi ổn định; chăn nuôi lợn có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được chú trọng. Nhiều địa phương đã cố gắng, nỗ lực đạt kết quả phát triển kinh tế tốt. UBND thành phố hoan nghênh một số quận, huyện có tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cao như: Thanh Xuân, Phú Xuyên, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, trong đó quận Thanh Xuân đang là địa bàn nóng về dịch Covid nhưng đã đạt kết quả giải ngân tốt, đứng đầu thành phố. Riêng UBND quận Đống Đa đứng đầu thành phố về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách thành phố giao năm 2021. UBND các quận, huyện: Hà Đông, Phú Xuyên đạt kết quả cao về tỷ lệ giải ngân và thu ngân sách khối quận, huyện. |