Tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa. Song, trạng thái phát triển của doanh nghiệp (DN) Việt đang “có vấn đề”, nỗ lực mở cửa hội nhập quốc tế mang lại chủ yếu được DN FDI khai thác.
Hàng ngoại sẽ đổ bộ vào Việt Nam
Theo thống kê từ Ban thư ký WTO, tính đến 1/9/2019, cả thế giới có 695 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 481 FTA đang có hiệu lực. Ngoài ra, một xu thế mới đã và đang phát triển, được nhiều nước đàm phán, ký kết và thực thi là các FTA thế hệ mới.
Tại Diễn đàn Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam hiện là thành viên của 13 FTA; trong đó, CPTPP là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là EVFTA.
Theo ông, việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA...
Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, ông Hải cho hay.
Tại thị trường nội địa, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh với hàng ngoại khi tham gia các FTA
Đáng chú ý, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ, song bán lẻ lại nổi lên là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2020 đạt 2.907 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
“Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò của hàng Việt tại thị trường nội địa khi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, hàng Việt vẫn được đánh giá cao và được các nhà phân phối bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Đơn cử, hàng Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%; ở Satra chiếm 90-95%; Vietmart chiếm 96%, Vissan chiếm 95%...
Song, tham gia các FTA, các sản phẩm được sản xuất trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.
Theo một đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương 15 tỷ Euro. Điều này cho thấy, nếu chỉ tính riêng với hàng hóa từ EU vào Việt Nam đã tạo mức cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt tại nội địa. Đó là chưa kể tới hàng hóa từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc,... tiếp tục đổ vào nước ta.
Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng ngày càng muốn sử dụng sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh, vì thế tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp Việt, bà Nga phân tích.
Cần “đại bàng quốc tịch Việt”
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) các FTA mang lại rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam về nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu, máy móc chất lượng cao, đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu,... song thách thức mà các DN Việt gặp phải là không nhỏ.
Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét, mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và chiếm tới gần 98% tổng số DN, nhưng phần lớn DN Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, các DN vừa và lớn chiếm tỷ trọng quá ít (khoảng 3%), tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng.
DN Việt chỉ đóng góp 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn khu vực FDI đóng góp tới 70%
PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, thẳng thắn chỉ ra rằng trạng thái phát triển “có vấn đề” của DN Việt trong bối cảnh của nền kinh tế ngày càng mở cửa - hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Theo đó, có 95-96% DN Việt là nhỏ và siêu nhỏ, nghĩa là thực lực yếu và kém. Khu vực DN tư nhân Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP, trong khi khu vực FDI đóng góp khoảng 22-23% GDP.
Tương tự, toàn bộ khu vực kinh tế bản địa chỉ đóp góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực FDI đóng góp tới 70%. Nghĩa là, cơ hội phát triển to lớn và nỗ lực mở cửa - hội nhập quốc tế chủ yếu được khu vực doanh nghiệp nước ngoài khai thác và hiện thực hóa thành lợi ích cho chính họ.
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là cần nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa; nhanh chóng chấm dứt việc phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin - cho”.
Hai yếu tố trên vận hành trong không gian “công khai, minh bạch” sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt cần nhất hiện nay. Bởi, khi đó sẽ thoát khỏi rất nhiều nỗi lo cho số phận của khu vực DN bản địa Việt, đặc biệt là khu vực DN tư nhân.
Ngoài ra, cần áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”. Sự thay thế này sẽ giúp kích thích tinh thần đua tranh một cách đàng hoàng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, xác lập cách tư duy - tiếp cận mới về “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”. Đặt việc, xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành một Chương trình - Chiến lược hành động quốc gia ưu tiên hàng đầu, trong đó, việc gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột. Vì khi có “đại bàng quốc tịch Việt” sẽ tạo ra được các chuỗi sản xuất Việt.
Ông Thiên nhấn mạnh, “khởi nghiệp quốc gia” cần được thiết kế lại đúng tầm, đúng yêu cầu để nhanh chóng “thay máu doanh nghiệp”. Không thể là phong trào cứ làm ào ào. Muốn vậy, cần xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số - công nghệ cao - trí tuệ. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn do tính phức tạp và chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển thế giới.
“Hy vọng DN Việt sau Covid-19 sẽ vươn lên mạnh mẽ chứ không thể mãi rụt rè, không đứng được dậy”, ông nói.