Tình hình lắp ráp trong nước và tiêu thụ xe ô tô nhập khẩu quí 1 năm nay sụt giảm gần 40%. Trong khi đó, các chính sách cho ngành ô tô đã bị tắc ngay khi các bộ hoặc doanh nghiệp trình lên các cơ quan quản lý.
Ford, Toyota... là các nhà sản xuất phải tạm thời đóng cửa nhà máy trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, lượng ô tô tiêu thụ trong quí 1 năm nay thấp nhất kể từ 2016 trở lại đây. Lũy kế 3 tháng đầu năm, toàn quốc tiêu thụ 52.557 xe, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe lắp ráp trong nước đạt 33.174 xe (giảm 28%), xe nhập khẩu đạt 19.383 xe (giảm 39%).
Cũng như nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác, trước khó khăn do bị tác động bởi dịch Covid-19, VAMA đã đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước hết năm nay và áp dụng các chính sách ưu đãi khác.
Tuy nhiên, khi Bộ Công Thương trình lên dự thảo về chính sách miễn giảm nói trên, Bộ Tài chính không thông qua vì nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Đối với xe nhập khẩu, diễn biến sau đại dịch cũng có nhiều vướng mắc. Đại diện VAMA cho biết, ở Indonesia, nơi cũng diễn ra dịch bệnh phức tạp, chính phủ Indonesia cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan như giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D (chứng nhận hàng hóa xuất nhập khẩu trong khối ASEAN) tạm dừng cấp mà thay thế bằng mẫu mới có QR code (chữ ký tươi bằng chữ ký đóng dấu), C/O điện tử...
Trong khi đó, với Malaysia, Indonesia, một số điểm như đơn vị đo lường trên hóa đơn (PCS) không khớp với đơn vị đo lường trong C/O nên ngành Hải quan Việt Nam không chấp nhận C/O hoặc nộp muộn C/O quá 30 ngày quy định thì doanh nghiệp nhập khẩu không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT).
Do vậy, một số doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ô tô đã gửi yêu cầu đến Bộ Công Thương đề nghị có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc này vì hải quan không chấp nhận C/O hoặc nộp C/O muộn thì họ không được hưởng ưu đãi thuế quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, thủ tục hành chính đối với các nhà nhập khẩu ô tô như giấy tờ cần xác nhận của cơ quan hải quan, cơ quan đăng kiểm dưới dạng giấy (tờ khai nguồn gốc, giấy chứng nhận an toàn...) khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, tốn chi phí và nhân lực, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ khai báo điện tử liên kết giữa hải quan, đăng kiểm để tái tạo sức sản xuất nhanh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để phục hồi sản xuất.
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các hãng sản xuất lắp ráp ô tô lớn nhất nước như Ford, Toyota... đã phải tạm thời đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam khi có Chỉ thị 16 của Chính phủ về thực hiện các biện pháp khẩn cấp về phòng chống Covid-19, trong đó có bao gồm các quy định về giãn cách xã hội.