Dưới thời Joe Biden, nhiều chuyên gia kỳ vọng Mỹ quay lại TPP và các chính sách thương mại với Việt Nam sẽ phù hợp hơn.
Việt Nam là quốc gia có diện tích, dân số lớn, vị trí cửa ngõ đi vào châu Á từ Thái Bình Dương và gần đây trở thành tâm điểm chú ý trong chính sách của các nước, trong đó có Mỹ. Với vị trí ấy, ông Đào Trần Nhân, cựu Tham tán công sứ thương mại thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm từ phía Mỹ, cho dù ai là tổng thống.
Dựa vào những gì trong quá khứ, vẫn có thể tìm thấy được những nét chung mà bất cứ tổng thống Mỹ, đến từ đảng nào, cũng sẽ duy trì và phát triển quan hệ kinh tế, ngoại giao với Việt Nam.
Nhiều chuyên gia khác cũng cùng quan điểm này. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng, hướng quan hệ kinh tế của Mỹ giữa các Đảng không có quá nhiều khác biệt trước những vấn đề lớn, chỉ khác nhau về cách thức thể hiện ra bên ngoài.
Trong 25 năm Việt – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Mỹ đã trải qua 4 đời tổng thống với sự luân phiên "đổi màu" giữa đảng Dân chủ và Cộng hoà theo chu kỳ 8 năm. Dù vậy, hai nước vẫn đạt được sự xuyên suốt trong khuôn khổ về quan hệ Đối tác toàn diện với 9 trụ cột hợp tác, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế...
"Từ thời Tổng thống Obama, hướng xoay trục của Mỹ là từ Đông Tây Dương sang Châu Á- Thái Bình Dương và điều đó không thay đổi tới nay. Vì thế, Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong trật tự mới này", ông Thành bình luận.
Joe Biden, khi còn là Phó tổng thống Mỹ, bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, D.C ngày 7/7/2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Hy vọng Mỹ quay lại TPP
Chia sẻ với VnExpress, ông Đặng Hoàng Hải Anh, giáo sư thỉnh giảng đại học Indiana (Mỹ) còn đánh giá, các chính sách của Mỹ dưới thời Biden sẽ "thuận lợi hơn với Việt Nam". Nhận định này được ông đưa ra từ quan điểm cởi mở của Biden về tự do thương mại. Khác với Trump, khi tranh cử, Biden cho thấy sự ủng hộ tự do hoá thương mại toàn cầu, giảm bớt các chính sách bảo hộ.
"Biden ủng hộ việc khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP) mà Trump đã loại bỏ 4 năm trước. Hiệp định này có rất nhiều ưu đãi cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam", ông Hải Anh nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright cũng cho rằng có nhiều hy vọng về sự quay lại của người Mỹ với Hiệp định TPP nay là CPTPP. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá cơ hội không quá cao dưới những áp lực và các vấn đề thiết yếu mà đảng Dân chủ phải chú trọng sau khi nắm quyền.
Trong bối cảnh thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng và đạt hơn 62 tỷ USD vào 10 tháng đầu năm, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4,7% so với USD trong năm 2019.
Hai vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều này, dưới góc nhìn của chính quyền Biden, cũng được các chuyên gia đánh giá có thể không nhiều áp lực như thời Trump".
"Biden vẫn quan tâm đến thâm hụt thương mại và thao túng tiền tệ ở các nước, trong đó có Việt Nam, nhưng không đi theo hướng gây nhiều áp lực như Trump", ông Michael Piro, COO Indochina Capital nhận định. Hay nói cách khác, cách xử lý của Biden sẽ khéo léo hơn.
Đồng tình, ông Nguyễn Xuân Thành cũng đánh giá áp lực của vấn đề này dưới thời Biden sẽ nhẹ nhàng hơn và điều này là một tin tốt khi có thể giúp giảm rủi ro vào năm 2021 cho Việt Nam.
Dịch chuyển dòng vốn FDI và FII
Mặt khác, chính sách thương mại và đối ngoại của đảng Dân chủ có sự mềm mỏng và ôn hoà hơn so với chính sách "American first" (Nước Mỹ trên hết) của Trump. Do đó, theo ông Đặng Hoàng Hải Anh, quan hệ thương mại giữa chính quyền Biden và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng không chỉ dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi mà còn có thể có những ưu đãi nhất định.
"Mỹ cần một đồng minh với lợi thế địa chính trị như Việt Nam. Như vậy, Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện để có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao", ông nói.
Điểm chung của cả Biden và Trump là vẫn ủng hộ thương chiến Mỹ - Trung và cuộc đối đầu công nghệ giữa hai siêu cường sẽ không kết thúc. "Chính quyền Trump đã thay đổi cuộc đối thoại, cách tiếp cận, cách nhìn về Trung Quốc mãi mãi", Clete Willems, cựu Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính quyền Trump bình luận.
Không phải tất cả đều đồng ý với Willems, nhưng các chuyên gia quốc tế từ nhiều lĩnh vực cũng thừa nhận quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào khác sẽ không dễ dàng bình thường hoá.
"Về mặt chính sách, dù đảng nào nắm quyền, với áp lực của nền chính trị Mỹ, Washington sẽ tiếp tục mạnh tay với Bắc Kinh. Ông Biden nắm quyền cũng không chấm dứt thương chiến", ông Xuân Thành nhận xét. Dưới áp lực này, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam sẽ tiếp tục. Điều này nhằm đảm bảo các khoản đầu tư của Mỹ cũng như các nước đồng minh được tự chủ, an toàn hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất của dòng chuyển dịch. Thương chiến và Covid-19 vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Sự kết hợp của hai yếu tố này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư ngược trở lại nước sở tại, bao gồm các doanh nghiệp Bắc Mỹ và châu Âu.
Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 6/11. Ảnh: Reuters.
Bên cạnh sự dịch chuyển của dòng vốn FDI, dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam cũng được giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có tân tổng thống.
CNN cho biết, Phố Wall và các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ không lo ngại khi Joe Biden thắng cử, do một số ưu tiên sự ổn định sau nhiệm kỳ đầy biến động của Trump.
Tuy nhiên, vẫn có thể có những nhà đầu tư không thích vì Biden muốn tăng thuế doanh nghiệp và thuế thặng dư vốn. Chính trị gia 78 tuổi cũng dự định nâng thuế lợi nhuận thu từ nước ngoài và mạnh tay với những khoản tránh thuế của các công ty công nghệ lớn. Vì vậy, một số dự đoán cho rằng, thị trường cổ phiếu Mỹ sẽ sụt giảm trong ngắn hạn trước khi quay đầu tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Ông Andy Ho, Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital từng đánh giá, khi trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0 ở nhiều nền kinh tế phát triển, việc chuyển dòng tiền đầu tư sang những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn.
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, Andy Ho cho rằng, về trung hạn, khi Biden làm tổng thống, khả năng dòng vốn FII vào Việt Nam vẫn tốt hoặc hơn. "Có rất nhiều tiền lẫn cơ hội ở châu Á, nên nhà đầu tư có thể sẽ tìm đến Việt Nam để kiếm lợi nhuận cao hơn. Hãy nhìn Ant khi họ dự định IPO, để thấy khả năng hút vốn của nó", ông Andy Ho nói.
Ông Lê Anh Tùng, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KBSV cho rằng, thị trường chứng khoán có thể được thúc đẩy. Như tín hiệu về khả năng trở lại đàm phán Hiệp định CPTPP cũng trở thành cú hích lớn, tác động lên tâm lý nhà đầu tư vào Việt Nam. Thị trường chứng khoán trong nước cũng sẽ giảm những cú sốc, trở nên ổn định hơn khi thị trường tại Mỹ không còn bị tác động mạnh do các chính sách không nhất quán, phi truyền thống của Trump.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM lại đưa ra quan điểm khác. Ông cho rằng trong ngắn hạn, phản ứng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiêu cực do tin Biden thắng cử không phải là thông tin mong đợi của nhà đầu tư.
Giới đầu tư thường kỳ vọng vào một thị trường sôi động có tăng có giảm, giá lên giá xuống hơn một thị trường ổn định. "Với thực tế 80% giao dịch tài chính là đầu cơ và chỉ 20% mang tính chất đầu tư dài hạn, họ thích sự bất ổn bởi đó là cơ hội kiếm lời nhanh chóng", ông nói. Tuy nhiên, về dài hạn, dưới thời Biden, thị trường chứng khoán tại Mỹ, liên đới đến các quốc gia khác vẫn duy trì sự ổn định.