Nói tục tại lễ hội bị phạt 500.000 đồng; tổ chức cho khách nhảy múa thoát y bị phạt 40-50 triệu đồng... là chính sách có hiệu lực từ ngày 1/6.
Thắp hương không đúng nơi quy định bị phạt 200.000-500.000 đồng
Nghị định 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng với một trong các hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Các hành vi cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi, kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài thời gian từ 8h đến 24h mỗi ngày... sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Cơ quan chức năng sẽ phạt 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, cơ sở karaoke, lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác. Cơ sở vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường từ 18 đến 24 tháng.
Những người thuê phòng hát karaoke bất chấp lệnh cấm để phòng, chống Covid-19 ở Quảng Nam. Ảnh: Công an cung cấp.
Trúng đấu giá sim số đẹp phải sử dụng 6 tháng
Quyết định 16/2021 của Thủ tướng nêu rõ, kho số viễn thông được đấu giá quyền sử dụng là các mã, số viễn thông có cấu trúc đặc biệt nằm trong quy hoạch kho số, chưa phân bổ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Để tham gia đấu giá mã, số viễn thông, doanh nghiệp, tổ chức phải thành lập theo pháp luật Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu về tài chính, kỹ thuật phù hợp đối với từng loại mã, số viễn thông; cam kết đưa mã, số viễn thông vào khai thác, sử dụng tối thiểu 6 tháng sau khi trúng đấu giá; nộp đầy đủ khoản phí sử dụng kho số, tần số, nghĩa vụ công ích, phí quyền hoạt động viễn thông của doanh nghiệp, tổ chức trước khi tham gia đấu giá...
Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm
Nghị định 43/2021 quy định từ 1/6 triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm tập hợp 9 nhóm với dữ liệu gốc là thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Người dân, cơ quan, tổ chức có thể tra cứu thông tin cơ bản của cá nhân, như họ tên khai sinh, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân, dân tộc, quốc tịch, quê quán, thông tin của cha mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; thông tin liên hệ của công dân; thông tin về hộ gia đình, gồm mã hộ gia đình, địa chỉ, danh sách thành viên trong hộ.
Người dân cũng có thể tra cứu nhóm bảo hiểm xã hội mà người đó tham gia (phương thức đóng, quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mã số thuế); nhóm bảo hiểm y tế (như mã mức hưởng, nhóm tham gia, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời điểm hết hạn, quá trình đóng hưởng); bảo hiểm thất nghiệp (quá trình đóng, hưởng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp)...
Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn khai thác thông tin về bảo hiểm có thể tra cứu qua cổng dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam. Nếu đã khai thác xong, cơ quan không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan.
Ứng dụng bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: PV
Người đại diện trung tâm dịch vụ việc làm phải có trình độ đại học trở lên
Nghị định 23/2021 hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm. Theo đó, điều kiện cấp giấy phép thành lập Trung tâm dịch vụ việc làm là phải có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 3 năm (36 tháng) trở lên; doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ việc làm phải là người quản lý doanh nghiệp; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù; có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 2 năm trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.