Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam thời gian qua mang hình hài của quả mít, nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá.
Ảnh minh họa. |
Chính sách hình hài quả mít, rất nhiều mũi nhọn
Tại hội thảo quốc tế Chính sách Công nghiệp Quốc gia diễn ra vào sáng 10/3, GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản cho biết, Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng, vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp, đồng thời cần có chính sách khôn ngoan chọn lựa FDI và nuôi dưỡng các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng.
Cụ thể, ông Thọ cho rằng, với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh hiện tượng hậu công nghiệp quá sớm. Về diện rộng, hai lĩnh vực có thị trường lớn và Việt Nam có lợi thế và thu hút nhiều lao động là các loại máy móc bao gồm nhiều lĩnh vực như đồ điện gia dụng, máy móc dùng ở văn phòng, máy điện thoại, xe máy, xe hơi… và công nghiệp thực phẩm.
Về chiều sâu, quá trình công nghiệp hóa, xuất phát từ lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo ông Thọ, Việt Nam chậm đưa ra những chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lý hành chính, thiếu cán bộ quản lý có năng lực và trách nhiệm, nên đã không thu hút được nhiều FDI trong các ngành liên quan các loại máy móc.
“Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng rất tiếc hiện nay các ngành này ở Việt Nam còn rất yếu”, ông Thọ nói.
Ý kiến của TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua “mang hình hài của quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá”. Theo ông Kiên, đã đến lúc “buộc phải thay đổi”.
"Không hỗ trợ bằng bất cứ giá nào"
Bình luận sâu về vấn đề ưu tiên, không ưu tiên đối với chính sách công nghiệp, trong tham luận của mình TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, vấn đề chính không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên mà vấn đề là nên có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào.
“Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay thay vào đó, Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số “lĩnh vực năng lực” phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước”, ông Vũ Thành Tự Anh đề xuất.
Dẫn chứng về công nghiệp thép, vị chuyên gia đến từ Fullbright cho biết, sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn. Nếu nhìn sau con chíp điện tử của Intel hay điện thoại Samsung thì thấy đó chỉ là gia công lắp ráp. Việt Nam không có nhà cung ứng cấp 1, 2… cho Intel, Samsung, đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng chỉ ở mức 3% với Intel và 8% với Samsung.
Trong khi đó, một số ngành công nghiệp khác như dệt may, da giày đều phải cạnh tranh quyết liệt nhưng không được bảo hộ như sản xuất thép, sản xuất ô tô kể trên.
Theo đó, việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phải lựa chọn dựa trên thực tế và bối cảnh quốc gia. Những ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển phải đáp ứng một số tiêu chí như: đủ năng lực cạnh tranh, xuất khẩu và phải đáp ứng được kỷ luật về thời gian, khuôn khổ hỗ trợ.
“Có rất nhiều danh mục mơ ước nhưng không dựa vào thực tế, bối cảnh hiện tại thì thất bại. Nếu anh xứng đáng thì được ưu tiên, Chính phủ không thể hỗ trợ bằng bất cứ giá nào”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Nguyễn Thảo / BizLIVE