Tín dụng tăng thấp thì vấp quan ngại, tăng cao thì gặp cảnh báo rủi ro...
Ngày 21/7, Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin, chính thức chốt lại con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay, cao hơn các mức ước tính trước đó.
Cụ thể, mức tăng tín dụng 6 tháng đầu năm nay lên tới 8,16%, cao hơn hẳn mức 6,82% cập nhật đến ngày 24/6.
Cùng với mức tăng trưởng cung tiền trên 8%, đà tăng tín dụng khá mạnh trên làm dẫy lên quan ngại, bắt đầu xuất hiện gần đây.
Châm ngòi lạm phát?
Trung tuần tháng 10/2015, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có bản báo cáo về kinh tế vĩ mô quý 3/2015. Điểm nổi bật mà một số tờ báo dẫn lại là cảnh báo “nguy cơ bùng nổ lạm phát từ tăng trưởng tín dụng nóng”.
Dữ liệu dẫn ra khi đó, đến tháng 9/2015, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ 2014, là một điểm dẫn tới cảnh báo trên. Cùng đó là quan ngại tình trạng tốc độ huy động vốn của hệ thống ngân hàng thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng…
Đến nay, khi nhìn lại 6 tháng đầu năm 2016, một lần nữa chuyên gia của VEPR lại tiếp tục có cảnh báo về tình hình tăng tín dụng gây sức ép lạm phát với nguy cơ mầm mống của sự bất ổn, cùng khuyến nghị Chính phủ nên thắt chặt bớt chính sách tiền tệ.
Thời gian gần đây, một số chuyên gia cũng đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo, với tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền có dấu hiệu nới lỏng, có thể lại châm ngòi cho lạm phát cao quay trở lại.
Cảnh báo từ các tổ chức chuyên môn, các chuyên gia thường là kẻ vạch đối với nhà hoạch định và điều hành chính sách, so sánh, tham khảo và trong một số tình huống có thể để điều chỉnh hướng/nhịp đi. Với những cảnh báo trên, hiện thực nằm ở tương lai, yếu tố tiền tệ trong tác động tới lạm phát thường có độ trễ nhất định.
Lạm phát, từ đầu năm đến nay, các phân tích định kỳ của Tổng cục Thống kê tập trung các tác động ngoài yếu tố tiền tệ, nổi bật như giá các mặt hàng, dịch vụ trọng yếu, các sự cố môi trường và hạn mặn…
Nhưng nay, với những cảnh báo và quan ngại trên, ít nhất về mặt thông tin, yếu tố tiền tệ đối với lạm phát được chú ý như một điểm nóng.
Trong khi tương lai ở phía trước, thì có thể nhìn lại quá khứ những năm gần đây. Và thấy: chính sách tiền tệ luôn ở tình thế trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, nếu xét theo những cảnh báo song hành. Đại ý, nếu tín dụng tăng thấp thì vấp nhiều quan ngại, nếu tăng được thì gặp cảnh báo rủi ro.
Như chỉ vài năm trước, khi tín dụng nửa đầu năm thường tăng trưởng thấp, hàng loạt quan ngại, lo lắng từ nhiều tổ chức, chuyên gia từng đặt ra. Không khó để đọc lại nhiều dẫn giải “thấp thỏm”, “mất niềm tin”, “báo động”… về tín dụng tăng trưởng thấp.
Nay, nửa đầu năm, tín dụng tăng trưởng tốt, lại đến lượt những cảnh báo châm ngòi lạm phát, cảnh báo bùng nổ lạm phát vì tín dụng nói trên.
Cùng đó, việc Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, lại bị xem như tiêu cực với cung tiền đưa ra mua ngoại tệ, dù có các công cụ trung hòa bớt tác động; rồi tốc độ huy động vốn tăng cao hơn tín dụng lại bị đặt trong quan ngại tiền chui vào ngân hàng thay vì đi vào sản xuất kinh doanh…
Như trên, cảnh báo là chỉ vạch để nhà hoạch định và điều hành chính sách nhìn vào. Nhưng với các cảnh báo dường như mâu thuẫn, xoay chiều nhanh như trên, nếu cơ sở và lập trường điều hành chính sách tiền tệ không vững thì dễ ngả nghiêng, thậm chí lúng túng, hoặc thêm trở ngại nếu có hiệu ứng tâm lý thị trường.
“Lỗi cấu trúc”
Khi trao đổi với VnEconomy chiều 21/7 về những cảnh báo hiện nay, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), nêu góc nhìn của mình rằng: cần gắn tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay với thực tế nhu cầu và tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp.
Ông Hưởng cho rằng, sau những năm rất khó khăn từ 2011 đến nay, “lửa đã thử vàng”, sức khỏe nhiều doanh nghiệp đã khẳng định hơn, đang khá lên khi vượt qua được giai đoạn thử thách. Mặt khác, giai đoạn thử thách đó cũng đã thanh lọc những cơ thể yếu kém.
“Vậy nên, nhìn chung, khi vượt qua được giai đoạn khó khăn những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, nhu cầu tín dụng và điều kiện đảm bảo tiếp cận tín dụng cũng đã tốt hơn. Theo đó, tín dụng tăng khá cũng là cơ hội để tiếp sức thêm cho triển vọng phục hồi đó, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Hưởng nói.
Mặt khác, “lửa thử vàng” cũng được người trong cuộc này nhìn cả về phía các ngân hàng thương mại. Sau những rủi ro nợ xấu, thậm chí rủi ro pháp lý và thua lỗ hoặc lợi nhuận giảm sút, chính các ngân hàng thương mại cũng đã rút kinh nghiệm hơn trong quản lý và phát triển tín dụng hiện nay.
Và cả nhà điều hành, mối quan hệ tín dụng, cung tiền với lạm phát những năm trước cũng đã đúc kết thành những bài học đắt giá. Theo đó, ông Hưởng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán thận trọng với chỉ tiêu dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 18-20%, có điều chỉnh tùy tình hình thực tế, và diễn biến nửa đầu năm nay phù hợp với chỉ tiêu đó.
Còn theo góc nhìn của một chuyên gia VnEconomy tham vấn, tình huống chính sách tiền tệ trở đi mắc núi, trở lại mắc sông với những cảnh báo trước đây và hiện nay như “nói hướng nào cũng được”, thì vấn đề nằm ở lỗi cấu trúc của nền kinh tế.
“Bản chất vấn đề nằm ở chỗ, các biện pháp nới lỏng chính sách hoặc kích thích kinh tế của ta có hiệu lực, hiệu quả thấp, thậm chí bị vô hiệu bởi lỗi cấu trúc của nền kinh tế, khác với xu thế các nước lớn hiện nay là duy trì và tăng cường các biện pháp kích thích. Kích cầu là câu chuyện ngắn hạn, còn sửa chữa cấu trúc là câu chuyện trung dài hạn”, chuyên gia trên nói.
Sửa chữa, có cấu phần tham gia của chính sách tiền tệ nói chung và tín dụng nói riêng. Như lái vốn đến các khu vực, các lĩnh vực nào và như thế nào để hiệu lực, để được sử dụng hiệu quả, ở góc độ nào đó còn quan trọng hơn là con số tăng trưởng.
Theo Minh Đức / VnEconomy