Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể cởi trói cho doanh nghiệp để hàng chục tỷ USD từ khu vực này đổ vào sản xuất, kinh doanh.
Đừng làm khó doanh nghiệp nhỏ và vừa
Gửi tới cuộc tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra vào ngày cuối cùng của tuần trước tới hơn 10 đầu mục kiến nghị, ông Phí Văn Hoan, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Giang thiết bị điện G7 chỉ muốn nhấn mạnh một điểm chốt.
“Nguồn lực của doanh nghiệp là có hạn, để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần dành nguồn lựccho sáng tạo, cho phát triển thị trường, chứ không muốn dùng nguồn lực đó cho mối quan hệ thân hữu. Các cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự là cơ quan hỗ trợ, ủng hộ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp mới có cơ hội để lớn”, ông Hoan thẳng thắn nói điều mà họ đang thấy và chờ đợi ở dự luật này.
Nhiều doanh nghiệp than phiền, dù muốn, họ cũng không thể vượt qua được những hàng rào thủ tục, chi phí tuân thủ lớn để được hưởng những khoản hỗ trợ theo quy định
Trong quá trình thảo luận về nội dung Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vài tháng qua, mặc dù gần như không có ý nào nghi ngờ về sự cần thiết của luật này, song vẫn có lo ngại cơ chế hỗ trợ có thể sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn lớn, nhất là khi thói quen xin - cho trong tư duy quản lý nhà nước và cả doanh nghiệp rất có thể sẽ đẩy các cơ chế hỗ trợ vượt qua giới hạn, gây méo mó thị trường.
“Tôi cảm nhận được tinh thần của Dự thảo Luật là khuyến khích chúng tôi phát triển, nhưng doanh nghiệp vẫn cần Dự thảo Luật nêu rõ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là trách nhiệm, chứ không phải là cơ chế ban phát. Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thành đúng thủ tục, đúng thời hạn với các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và cần có chế tài để đảm bảo tính thực thi”, ông Hoan nói thêm.
Sự không rõ ràng, hoặc ngần ngại trong tư duy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là rào cản lớn nhất trong cả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khả năng tiếp cận tới các chương trình hỗ trợ dành cho khu vực này. Nhiều doanh nghiệp than phiền, dù muốn, họ cũng không thể vượt qua được những hàng rào thủ tục, chi phí tuân thủ lớn để được hưởng những khoản hỗ trợ theo quy định. Đây cũng là một trong những lý do mà Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sau gần 7 năm có hiệu lực vẫn không tạo nên xung lực thực sự cho khu vực này.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico chia sẻ quan điểm của ông Hoan. “Cần tập trung vào các quy định hỗ trợ các vấn đề mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như soạn thảo các mẫu điều lệ, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể; vận hành phần mềm kế toán, công tác quản trị doanh nghiệp... Giảm được chi phí, trong đó có chi phí tuân thủ pháp luật, tăng được hiệu quả, có thu nhập cao hơn mới là yếu tố quyết định thực chất”, ông Đức nói.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó lớn
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa rất muốn nhấn mạnh tới vị trí của khu vực doanh nghiệp này trong nền kinh tế.
“Trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, khu vực DNVVV luôn được nhắc tới là nơi vững vàng chống đỡ, nhưng đến giờ, chúng tôi lại đang vất vả với việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới. doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về năng lực, thiếu về nguồn lực, nhưng lại là nơi đang tạo việc làm cho 60% lao động, trong đó có tới 80% lao động chưa qua đào tạo; đóng góp tới 40% GDP… Nếu thúc đẩy khu vực này nâng cao năng lực cạnh tranh, tôi tin là, dư địa để nền kinh tế tăng trưởng bền vững sẽ nằm ở đây”, ông Nam nói.
Trong nghiên cứu đánh giá tác động của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế Economica Việt Nam đã tính toán các phương án nếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả.
“Với tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp hiện tại, đến năm 2020, số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sẽ lên con số 1 triệu. Như vậy, trong 4 năm nữa, ít nhất có 3.975 ngàn tỷ đồng (tương đương 136,7 tỷ USD) được đưa vào sản xuất, kinh doanh, bình quân mỗi năm có 34,17 tỷ USD. Con số này gấp 1,5 lần vốn FDI đầu tư vào Việt Nam và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện năm 2015. Với phương án này, trong trung hạn sẽ có thêm nguồn thu thuế hơn 51.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 2,3 tỷ USD”, ông Bình phân tích.
Ngoài ra, cũng phải nhắc tới 7 triệu việc làm mới sẽ hình thành do sự phát triển của khu vực này, sẽ góp phần tăng độ che phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ 70 triệu người lên 77 triệu người.
Tuy nhiên, các con số hấp dẫn trên vẫn là dự báo. Trong Báo cáo kinh tế quý III/2016 mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước 3 quý đầu năm 2016 tăng chậm, mới đạt 387.700 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều kế hoạch là 620.000 tỷ đồng.
Lý do, theo CIEM, đó là khu vực dân cư và tư nhân còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư liên quan đến tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tín dụng (do không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản giá trị thấp). Thêm nữa, hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy đã có nhiều cải thiện với nhiều chính sách được ban hành nhưng nội dung còn chung chung, mang tính khẩu hiệu và do vậy mức độ thực thi thấp.
Khánh An / baodautu