Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành phố, trong đó quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm hai đợt.
Theo đó, đợt một được ấn định vào ngày 7 và 8/7. Đợt 2 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gồm các thí sinh thuộc nhóm F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế, thí sinh cư trú trong khu vực đang bị phong tỏa, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng để thực hiện biện pháp cấp cách phòng chống dịch Covid-19.
Về lịch thi đợt 2, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định thời gian cụ thể tổ chức dựa trên căn cứ đề nghị từ các địa phương.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường việc chuẩn bị tổ chức đợt một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, có các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường việc chuẩn bị tổ chức đợt một kỳ thi nghiêm túc.
Trong đó, ưu tiên xét nghiệm, tiêm chủng vaccine phòng chống dịch Covid-19 cho những người tham gia kỳ thi, bố trí điểm thi, phòng thi dự phòng để xử lý khi có vấn đề phát sinh về dịch Covid-19.
Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật tình hình thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi trong đợt một, gửi về Bộ trước ngày 5/7.
Dựa trên đề nghị (nếu có) của chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, thực tế diễn biến dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định thời gian cụ thể tổ chức đợt thi thứ 2 và hướng dẫn tổ chức đợt thi này.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết, đã xây dựng các kịch bản khác nhau tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có phương án tổ chức đợt thi thứ 2 cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tùy theo tình hình thực tế, Bộ sẽ có quyết định chính thức vào trước thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt một).
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, quan điểm là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời, cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi.
Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời, cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10). Để thí sinh thuận lợi khi làm bài, các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó.
Trong một phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng. Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo đối với tất cả các môn thi trong kỳ thi. Các nhà trường phân tích kỹ đề thi tham khảo để có thể định hướng dạy học, ôn tập.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho rằng, công tác này rất quan trọng, được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra; các sở GD&ĐT thành lập các Đoàn thanh tra; thanh tra tỉnh cũng sẽ cử người tham gia Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và tham gia thanh tra, kiểm tra.
Trên cơ sở kế thừa ưu điểm của năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương gắn với chịu trách nhiệm sao cho tránh chồng chéo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không nặng nề.