Biên lợi nhuận cao, rủi ro nợ xấu được phân tán… trong khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng của khách hàng gia tăng đang giúp nhiều công ty tài chính và ngân hàng “hái” lợi nhuận khá cao khi cho vay tiêu dùng.
Hiệu quả nhìn từ lãi suất
Tiên phong trong phát triển mạnh mảng tài chính tiêu dùng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng VPBank trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 2.340 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp cho thành tích này có hoạt động tích cực của dịch vụ tín dụng tiêu dùng (FE Credit). Lãi từ các khoản cho vay của FE Credit bằng với mức lãi từ cho vay của ngân hàng mẹ VPBank nhưng hiệu quả cao gấp 3 lần.
Cụ thể, cứ 100 đồng cho vay, FE Credit thu lãi 18 đồng. Sau khi trả lãi các khoản tiền gửi, thu nhập lãi thuần của FE Credit trong 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt hơn 5.400 tỷ đồng, nhiều hơn 30% so với lãi thuần mà ngân hàng mẹ thu được.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, trong kết quả kinh doanh hằng năm, lợi nhuận từ FE Credit mang lại cho VPBank chiếm đến 50%, được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho VPBank thời gian qua và trong tương lai gần, xa. Vì vậy, việc bán hay quyết định chuyển nhượng một phần vốn của FE Credit là luôn được cân nhắc kỹ lưỡng và hiện VPBank chưa có kế hoạch.
Không chỉ trường hợp FE Credit đạt lợi nhuận 2.000 tỷ đồng trong năm 2016 và đóng góp đến hơn 50% trong lợi nhuận của ngân hàng mẹ VPBank, nhiều công ty tài chính khác cũng đang là những “con gà đẻ trứng vàng”.
Đơn cử, Công ty tài chính HD Saison trực thuộc Ngân hàng HDBank đạt mức lãi 440 tỷ đồng và đóng góp khoảng 30% trong tổng lợi nhuận của HDBank hay Công ty Home Credit cũng lãi 1.226 tỷ đồng năm 2016. Tăng trưởng khoản vay cũng như khách hàng mới tại các công ty này rất cao. Như trường hợp FE Credit, có tới 2,8 triệu khoản vay trong năm.
Hiện, mức lãi suất vay tiêu dùng tại công ty tài chính vào khoảng 38%/năm, còn lãi suất cho vay thẻ tín dụng tại các ngân hàng chỉ là 16% - 24%/năm.
Nhà đầu tư ngoại nhòm ngó
Ông Katsumi Mizuno, Giám đốc Khối thị trường quốc tế Credit Saison Nhật Bản cho rằng, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng đối với tín dụng tiêu dùng và dịch vụ thẻ, bởi dân số trẻ và số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng vẫn chưa nhiều.
Thực tế cho thấy, tuy mới phát triển mạnh trong vòng 3 - 5 năm gần đây, nhưng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng. Dư nợ hiện tại của cho vay tiêu dùng gần 600.000 tỷ đồng, nhưng dự kiến đến năm 2019, thị trường này sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng. Đó chính là lý do các nhà đầu tư ngoại săn lùng và mua lại công ty tài chính tại Việt Nam.
Trên thị trường mới đây đã xuất hiện thông tin Prudential Việt Nam muốn bán công ty tài chính của mình với giá 150 triệu USD hay Techcom Finance thuộc Ngân hàng Techcombank cũng sẽ về chủ mới của Hàn Quốc với con số 1.700 tỷ đồng.
Dự kiến đến năm 2019, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng. |
Thông tin Techcombank sắp bán TechcomFinance rộ lên sau khi ngân hàng này công bố trên website về việc HĐQT vừa phê duyệt hợp đồng và các tài liệu giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại công ty con của mình. TechcomFinance hiện có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, tiền thân là CTTC Hóa chất (thuộc Vinachem), nhưng đã được Techcombank mua lại hồi tháng 1/2015.
Cũng trong tháng 9/2017, MB Bank đã bán 49% vốn cho đối tác đến từ Nhật Bản là Shinsei Bank Limited và đổi tên Công ty MBCredit thành Công ty TNHH MB Shinsei.
Trước đó, HDBank cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Sau thương vụ này, HDFinance mang tên mới là HD Saison và HDBank vẫn sở hữu 50%, Credit Saison Co., Ltd (Nhật Bản) sở hữu 49% và Công ty chứng khoán HSC sở hữu 1% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Thùy Vinh / baodautu