Chơi hụi online là một hình thức tiết kiệm mới với lợi nhuận cao dễ tạo cơ hội cho những người có ý định lừa đảo.
Người chơi hụi online được cung cấp các công cụ hiện đại để giao dịch, trao đổi và mời gọi người khác tham gia.
Tại TP.HCM, gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp ứng dụng thông qua điện thoại thông minh để nhiều người góp tiền - nhận tiền được gọi là tiết kiệm nhóm (bao gồm tiết kiệm đấu giá và tiết kiệm cộng dồn) - một hình thức gần giống chơi hụi truyền thống.
Lãi suất “ngon” hơn ngân hàng
Ngày 8/11, qua lời giới thiệu của bạn bè, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến Công ty TNHH Trust Circle Việt Nam (số 151 Tôn Dật Tiên, Garden Court 1, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) - doanh nghiệp cung cấp ứng dụng tiết kiệm nhóm - để tìm hiểu cách thức tham gia tiết kiệm đấu giá (tạm gọi là chơi hụi online).
Tại đây, nhân viên Công ty Trust Circle cho biết tiết kiệm đấu giá là một nhóm người thân quen cùng góp một số tiền theo từng kỳ. Ở mỗi kỳ sẽ có một thành viên được nhận tổng số tiền do các thành viên trong nhóm đóng góp. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ thay phiên nhận tiền ở mỗi kỳ và phải hoàn thành nghĩa vụ góp tiền trong các kỳ khác. Khi tất cả thành viên trong nhóm đều đã nhận tiền thì nhóm tiết kiệm kết thúc.
Người chơi sẽ tải phần mềm tiết kiệm nhóm về điện thoại của mình để giao dịch và mời người khác tham gia. Mỗi nhóm từ 4 đến 24 người, số kỳ góp 1, 2 tuần hoặc 1 tháng - thời hạn của mỗi kỳ góp. Số tiền, ngày góp tiền, thời điểm đấu giá do các thành viên trong nhóm tự thỏa thuận. Người tạo lập nhóm (trưởng nhóm) và người tham gia nhóm phải cung cấp thông tin cá nhân, thu nhập hằng tháng… để các thành viên trong nhóm biết, hệ thống của Công ty Trust Circle sẽ xác thực và lưu giữ các thông tin này.
“Vậy người góp và người nhận tiền được lợi ích gì?” - tôi hỏi. Nhân viên Công ty Trust Circle cho biết người góp tiền có thể nhận được lãi suất tiết kiệm cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, trung bình khoảng 12%/năm. Còn người nhận tiền chỉ trả lãi suất khoảng 10,5%/năm, thấp hơn lãi suất vay ngân hàng.
“Giả sử một nhóm gồm 4 người A, B, C, D góp mỗi kỳ (1 tháng) 1 triệu đồng, kéo dài trong 4 kỳ (4 tháng). Trong kỳ 1, nếu A đấu giá với mức thấp nhất là 900.000 đồng thì A nhận được 900.000 đồng x 3 = 2.700.000 đồng. Đến kỳ 2, B đấu giá thấp nhất 930.000 đồng, nhận được 1 triệu đồng x 1 + 930.000 đồng x 2 = 2.860.000 đồng. Kỳ 3, C đấu giá thấp nhất 940.000 đồng, nhận được 1 triệu đồng x 2 + 940.000 đồng = 2.940.000 đồng. Kỳ 4 không đấu giá, D mặc nhiên nhận được 1 triệu đồng x 3 + 1 triệu đồng.
Như vậy, sau 4 tháng, A góp 3 triệu đồng và nhận 2,7 triệu đồng tính ra A đã vay của 3 thành viên còn lại với lãi suất 11,1%/4 tháng (2,7%/tháng). B góp 2,9 triệu đồng, nhận 2,86 triệu đồng tức đã vay tiền với lãi suất 1,4%. Còn C góp 2,83 triệu đồng, nhận 2,94 triệu đồng, tức C đã có được mức sinh lời (lãi suất tiết kiệm) gần 4%. Riêng D nhận được 3 triệu đồng và chỉ góp 2,77 triệu đồng nên lãi suất tiết kiệm của D lên tới 8,3%” - nhân viên này tính toán.
Nhiều rủi ro
“Trường hợp thành viên trong nhóm đã nhận tiền bỏ trốn (giựt hụi) thì sao?” - tôi tiếp tục hỏi và người này cho biết hiện đã hơn 100 nhóm đang vận hành, mỗi nhóm từ 5-12 người, trong đó có nhóm góp 10 triệu đồng/kỳ và chưa có người nào bỏ nhóm. Khả năng giựt hụi rất khó xảy ra bởi mỗi tài khoản thành viên đều được công ty kiểm chứng bằng nhiều hình thức để chứng minh người tham gia tiết kiệm đấu giá có nhu cầu thật, hạn chế nguy cơ cố tình tạo ra nhiều tài khoản ảo nhằm chiếm dụng nhiều lần tiền của người khác.
Mặt khác, người tham gia tiết kiệm đấu giá đều được Công ty Trust Circle cung cấp một hạn mức tài khoản (quy định số tiền góp tối đa hằng tháng) phù hợp với năng lực tài chính để bảo đảm số tiền tham gia vào các nhóm không vượt quá khả năng chi trả của cá nhân đó. Tất cả giao dịch chuyển - nhận tiền đều được ghi nhận chi tiết trên hệ thống thông tin của Trust Circle, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho số tiền giao dịch của các thành viên.
Bảng mô tả cách thức gửi tiết kiệm và mức lãi của Công ty Trust Circle
Thấy tôi băn khoăn về việc mời người khác tham gia để vận hành 1 nhóm gồm 4 thành viên, nhiều người có kinh nghiệm chơi hụi online cho biết phần mềm tiết kiệm nhóm có tính năng chia sẻ qua email, Facebook, tin nhắn, mạng Zalo, Viber…
Do đó, người tạo lập nhóm (trưởng nhóm) có thể thông qua các phương tiện này để gửi thông tin mời bạn bè gia nhập. Mặt khác, khi gửi thông tin đến số điện thoại của người khác, hệ thống của Công ty Trust Circle luôn đính kèm đường link của tietkiemnhom.com để người nhận truy cập tìm hiểu cách chơi “hụi” online.
“Tuy nhiên, khi lập nhóm tiết kiệm đấu giá, các thành viên cần tìm những người cần vay tiền và những người có nhu cầu tiết kiệm. Sự cân bằng giữa nhu cầu tiết kiệm và vay vốn sẽ là yếu tố quyết định để các thành viên được hưởng mức lãi suất thỏa đáng” - anh Lâm, người đang chơi hụi online, mách nước.
“Nếu có một thành viên rút lại tiền góp hoặc chỉ góp 2 kỳ rồi ngưng thì xử lý thế nào?” - tôi thắc mắc. Anh Lâm cho biết khi đó, các thành viên còn lại sẽ tự thỏa thuận, có thể giao cho trưởng nhóm hoặc một thành viên khác góp tiền rồi đến khi kết thúc chu kỳ sẽ xử phạt thành viên rút hoặc thôi góp tiền - mức phạt có thể lên tới 50% số tiền đã góp. Trường hợp không ai góp tiền thay cho thành viên rút lui thì coi như vỡ nhóm.
TS Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP HCM) cho rằng có rất nhiều rủi ro đối với người tham gia loại hình tiết kiệm này. Chỉ cần bất kỳ thành viên nào rút lui mà không có thành viên góp vốn thay thì xem như vỡ nhóm.
Khi đó, tiền của các thành viên đã góp trước sẽ rất khó để thu hồi dù pháp luật cho phép khởi kiện đòi lại tiền. Thế nhưng, khi “con nợ” không còn tiền để trả thì quyết định của tòa án sẽ khó được thực hiện. Mặt khác, thành viên rút tiền rồi có thể không góp tiếp cho các thành viên khác vì thỏa thuận giữa các thành viên không xác lập bằng hợp đồng với những điều khoản có tính ràng buộc pháp lý.
Trong khi đó, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào cho loại hình giao dịch theo hình thức tiết kiệm nhóm. Do đó, người tham gia hụi online chưa được pháp luật bảo vệ tốt nhất khi có tranh chấp xảy ra. Vì vậy, tính pháp lý về các loại hình hoạt động của Công ty Trust Circle phải được xem xét cẩn trọng bởi nếu có rủi ro xuất phát từ phần mềm tiết kiệm nhóm thì các thành viên sẽ được pháp luật bảo vệ ra sao?
Ngoài ra, lợi nhuận cao (người có tiền góp vốn vào được hưởng lãi suất hơn 8% chỉ trong vài tháng) dễ tạo cơ hội cho nhiều người khác có ý định lừa đảo nhảy vào.
Công ty Trust Circle không bị ràng buộc pháp lý Theo tài liệu của Công ty Trust Circle, với vai trò nhà cung cấp ứng dụng phần mềm để các thành viên giao dịch tiết kiệm và vay mượn theo thỏa thuận, doanh nghiệp này không có trách nhiệm pháp lý trong trường hợp thành viên không thực hiện những thỏa thuận đã có giữa họ với nhau. Tuy nhiên, Công ty Trust Circle sẽ cung cấp lịch sử giao dịch giữa các thành viên để làm sáng tỏ việc tranh chấp trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Công ty Trust Circle cho biết trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các thành viên có quyền khởi kiện tại tòa án địa phương bởi các quy định xử lý tranh chấp về hụi đã có trong Bộ Luật Dân sự và Nghị định 144. Do đó, người tham gia tiết kiệm đấu giá tuân thủ các quy định này đều được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, dù là nhà tạo lập sân chơi nhưng Công ty Trust Circle không sử dụng và không giữ tiền của người chơi hụi online mà chỉ nhận tiền trực tiếp hoặc nhận qua tài khoản ngân hàng rồi chuyển vào ví điện tử của người chơi được cung cấp từ Công ty VNPT EPAY, sau đó lấy tiền từ ví này chuyển cho người nhận. Tiền trong ví điện tử được bảo đảm 100% trong tài khoản bảo đảm thanh toán của Công ty VNPT EPAY mở tại ngân hàng thương mại dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, Công ty Trust Circle chưa thu phí giao dịch đối với người chơi hụi online nhưng doanh nghiệp này cho biết trong thời gian tới, người chơi sẽ phải đóng phí. |
Theo Thy Thơ
Người Lao Động