Công nhân Việt Nam được khen là lao động chăm chỉ |
"Việt Nam là một đất nước tuyệt vời với sự ổn định chính trị, chi phí năng lượng rẻ và những người lao động chăm chỉ. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng Thái Lan đang trên đà suy thoái thì chúng tôi nhận ra Việt Nam chính là cơ hội của mình", ông Dhep nhận định.
Trang The Nation gần đây đưa tin, Tập đoàn xây dựng số 1 Thái Lan SCG tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xi măng và hóa dầu.
Theo The Nation, từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1992, SCG đã đầu tư vào Việt Nam 700 triệu USD (tương đương 25,2 tỉ Baht). Hiện nay, tập đoàn này tiếp tục lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xi măng và hóa dầu.
Giám đốc điều hành SCG tại Việt Nam Dhep Vongvanich ngày 23.1 vừa qua cho biết, tập đoàn này đã quyết định mở một nhà máy xi măng ở Việt Nam và sẽ tiếp tục công việc xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn trị giá 4,5 tỉ USD, dù trước đó 1 trong 4 đối tác quan trọng là Qatar Petroleum đã rút khỏi dự án này.
"Mục tiêu của chúng tôi là phải có một nhà máy xi măng tại Việt Nam. Hiện chúng tôi vẫn đang nghiên cứu xem chúng tôi nên đầu tư toàn bộ hay thông qua liên doanh", ông Dhep Vongvanich cho biết.
SCG đang bàn với 3-4 đối tác tiềm năng để "kế nhiệm" Qatar Petroleum. Dự kiến sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán trong quý này.
SCG đang quản lý 22 cơ sở hoạt động tại Việt Nam, trong đó có hai thương vụ thâu tóm vào năm ngoái là: Prime Group - công ty sứ lớn nhất Việt Nam và Công ty Cổ phần Bao Bì Tín Thành. Tập đoàn hiện có gần 7.000 lao động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 100 nhân viên người Thái.
Theo báo cáo của SCG đưa ra tại cuộc họp báo ở Singapore trong tháng 1.2016, tính đến tháng 9.2015, Indonesia là điểm đến đầu tư lớn nhất của tập đoàn này với tổng trị giá tài sản là 43,8 tỉ Baht (tương đương gần 121,6 triệu USD), theo sau là Việt Nam với 25,7 tỉ Baht (tương đương với 71,3 triệu USD) và Campuchia với 10,77 tỉ Baht (tương đương gần 30 triệu USD).
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam lại có doanh thu lớn nhất với 22,24 tỉ Baht, tiếp theo là Indonesia với 19,65 tỉ Bath, Myanmar với 9,27 tỉ Bath, Campuchia với 8,75 tỉ Bath.
Với lễ khánh thành một nhà máy xi măng trong quý IV năm 2015, Indonesia đã vượt Việt Nam trở thành chi nhánh có doanh thu cao nhất của SCG.
"Indonesia là chi nhánh có doanh thu cao nhất vì quốc gia này có nhà máy xi măng. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét đầu tư vào hóa dầu tại Việt Nam vì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ sản phẩm hóa dầu. Khoảng 80-90% đầu ra từ dự án của chúng tôi sẽ phục vụ nhu cầu nội địa", ông Dhep cho biết.
Theo ông Dhep, SCG gần đây đã gặp gỡ các nhà chức trách Việt Nam để tái khẳng định cam kết với dự án hóa dầu Long Sơn và chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối.
"Việt Nam là một đất nước tuyệt vời với sự ổn định chính trị, chi phí năng lượng rẻ và những người lao động chăm chỉ. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng Thái Lan đang trên đà suy thoái thì chúng tôi nhận ra Việt Nam chính là cơ hội của mình", ông Dhep nhận định.
Ngành công nghiệp xây dựng của Việt Nam đã tăng 10,8% năm ngoái. Với tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người là 2.200 USD. Vì vậy, Việt Nam vẫn sẽ mang đến rất nhiều cơ hội, ông nói thêm.
Tuyết Nhung (theo The Nation)