Xuất thân là dân kỹ thuật, cuộc phiêu lưu thú vị với quả chanh không hạt khiến Nguyễn Văn Hiển ngày càng đam mê mãnh liệt với nông nghiệp.
Làm nông nghiệp đến nơi đến chốn chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, nhưng cần thời gian đầu tư dài hơi và không thể dựa vào vốn vay ngân hàng
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM chuyên ngành điện công nghiệp, Hiển về làm cho một công ty xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP.HCM. Sau 6 năm làm cho doanh nghiệp nhà nước, Hiển bứt ra làm riêng. Công ty xây dựng của Hiển là một doanh nghiệp có tiếng trên địa bàn TP.HCM, từng trúng thầu nhiều công trình tầm cỡ. Thế rồi…
Bén duyên với chanh
Sinh ra trong một gia đình có 4 anh em trai tại vùng quê nghèo huyện Quế Sơn (Quảng Nam), cái nghèo ám ảnh suốt tuổi thơ Hiển và đeo đẳng dai dẳng cả những năm anh học đại học. “Năm tôi 21 tuổi, đang học thì nghe tin cha mất. Hai anh em khăn gói đón xe đò về quê. Còn cách nhà mấy chục cây số thì xuống xe, nhưng hết tiền đón xe tiếp nên hai anh em đi bộ. Về tới nhà thì hậu sự cho cha cũng đã xong”, mắt Hiển ngấn lệ khi nhắc về một ký ức buồn mà anh và các anh em trong nhà từng trải qua.
Cái đói đeo bám tuổi thơ, Hiển nhớ như in những bữa cơm độn khoai sắn nhiều hơn gạo. Cuộc sống nông nghiệp thiếu thốn đã hun đúc ý chí thoát nghèo hừng hực trong Hiển. Anh lăn lộn và xây dựng được sự nghiệp khá vững vàng ở đất Sài Gòn. Nhưng “có lẽ cái gì thuộc về quê hương là còn mãi và còn nhiều trong bản thân tôi”. Làm xây dựng nhưng Hiển cứ nhớ, cứ ao ước được làm cái gì đó liên quan đến nông nghiệp, một ngành vất vả nhưng đã giúp ba mẹ nuôi anh khôn lớn nên người.
Một lần đứng trước vùng đất nông nghiệp bao la của huyện Bến Lức (Long An), Hiển cứ suy nghĩ mãi, tại sao nơi đây đất đai rộng lớn mà người dân vẫn không thoát được cảnh nghèo. Tìm hiểu, anh biết được rằng, vùng đất này nhiễm phèn nặng, muốn canh tác đòi hỏi đầu tư lớn. Mà đầu tư lớn thì luôn là thách thức với những người nông dân nghèo khổ nơi đây. Những ký ức tuổi thơ ùa về, trong lòng anh bỗng nhen nhóm ý định đầu tư vào nông nghiệp. Hiển đã tự mày mò nghiên cứu nhiều loại cây ăn trái như chuối, thanh long, khóm, mía, đu đủ… nhưng vẫn không thực sự ưng ý. Gõ cửa nhiều nơi, anh đến Trung tâm khuyến nông của huyện Bến Lức nhờ tư vấn, đến Viện cây ăn quả miền Nam tìm hiểu, chạy tới Đại học Nông Lâm xin ý kiến các chuyên gia nông nghiệp, đồng thời tham vấn ý kiến của các lão nông nhiều kinh nghiệm nơi đây… cuối cùng Hiển quyết định khởi đầu với quả chanh không hạt.
Nhiều năm trên thương trường, Hiển đã để ý tìm hiểu nhu cầu thị trường về loại quả này. Theo các tài liệu anh đọc, loại cây này có thể cho 60-80 tấn quả/ha, nhưng Hiển chỉ tạm tính 20 tấn/ha. “Cũng nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, nhưng chúng tôi đã không lường trước hết được những khó khăn mà mình phải trải qua”, Hiển nhớ lại. Từ đó, chuỗi ngày phiêu lưu với quả chanh không hạt bắt đầu.
Đưa chanh xuất ngoại
Đó là thời điểm năm 2011. Vùng đất Thạnh Lợi – Bến Lức (Long An) khi đó còn chưa có điện, nước. Để trồng được chanh, Hiển phải đầu tư toàn bộ hệ thống đường dây điện, hệ thống nước phục vụ tưới tiêu, thậm chí là xây dựng các con đường bê tông để làm lối đi.
Mọi thứ phải làm từ đầu với vốn đầu tư khá lớn. Đổi lại, việc làm của anh được chính quyền và người dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình, bởi anh đang góp phần giúp hồi sinh vùng đất hoang sơ này. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nông nghiệp từ các viện, trường không chỉ hỗ trợ anh về kỹ thuật mà còn trở thành các cổ đông chiến lược quyết đi đường dài với quả chanh. Thế nhưng những ngày đầu tiên vẫn không đơn giản. “Nhiều kỹ sư, đặc biệt là các bạn trẻ đã bỏ ngang, vì hạ tầng còn quá thiếu thốn”, Hiển tâm sự.
Bắt tay vào trồng chanh, Hiển biết được rằng, mọi việc không hề dễ dàng. “Nếu bán quả chanh theo kiểu kinh doanh truyền thống thì sẽ “chết chắc”. Bởi lẽ thứ nhất, giá do thương lái quyết định. Thứ hai, năng suất khó ổn định. Hơn nữa nếu làm nông nghiệp kiểu cạnh tranh với nông dân thì chỉ làm người nông dân thêm khổ”, Hiển đúc rút.
Với sự tư vấn, giúp đỡ của 5 tiến sĩ, Hiển quyết định tìm đường xuất ngoại cho quả chanh Việt. Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt do Hiển làm Chủ tịch HĐQT từng bước tự nghiên cứu những sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho quả chanh.
Hành trình xuất ngoại của Chanh Việt không hề đơn giản khi phía đối tác đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chanh Việt phải nhờ một đối tác tại Hà Lan tư vấn về tiêu chuẩn nhập khẩu, đồng thời gửi mẫu đi thị trường này để kiểm định. Hiển cho biết, phía đối tác Hà Lan yêu cầu kiểm nghiệm tận 800 loại hoạt chất, trong khi các trung tâm kiểm định ở trong nước mới chỉ kiểm tra được khoảng 300 hoạt chất.
Tay ngang làm nông nghiệp, nhưng ngay từ thời điểm mới bắt tay vào việc, Hiển đã quyết làm bài bản. Anh cho đầu tư trồng chanh theo phương pháp hữu cơ. Thay vì các loại phân bón hóa học, anh dùng phân hữu cơ, vừa cải tạo đất vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Mỗi lần mua phân bón cũng phải tốn hàng tỷ đồng”, Hiển cho hay. Nhưng chính phương pháp này đã khiến sản phẩm của Chanh Việt vượt qua được những vòng kiểm nghiệm khắt khe từ nhà nhập khẩu. Cũng nhờ loại phân bón này mà những cây chanh ở đây đã đủ sức chống chọi với đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng vừa rồi tại đồng bằng sông Cửu Long.
Với 100 ha, cánh đồng chanh của Chanh Việt trở thành vựa chanh lớn nhất khu vực. Cũng từ đây, những quả chanh thương hiệu Việt đã vượt biển tỏa đi các thị trường châu Âu. Năm 2016, khoảng 50 tấn chanh tươi đã được xuất sang Hà Lan.
Tuy nhiên, chỉ 30% chanh loại 1 mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Làm gì với 70% số quả còn lại là câu hỏi khiến Hiển đau đầu. Nếu bán ra thị trường như các loại chanh khác thì hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, bản thân Hiển cũng thấy rằng, nếu chỉ xuất khẩu chanh tươi thì cũng chẳng khác nào xuất thô các sản phẩm nông nghiệp khác, không làm tăng được giá trị cho sản phẩm.
Cây chanh có thể cho 60-80 tấn quả/ha, nhưng Hiển chỉ tạm tính 20 tấn/ha |
Nâng giá trị cho chanh Việt
Vừa làm vừa tìm hiểu, Hiển biết rằng, anh cần phải phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu ra các chế phẩm từ chanh để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việc đầu tiên anh làm là nhập máy về vắt lấy nước cốt chanh, rồi sấy, cô đặc lấy bột chanh. Ý định của Hiển là có thể dùng bột chanh làm viên sủi uống bổ sung Vitamin C, nhưng do việc cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm chức năng phức tạp, anh chưa triển khai ý tưởng này. Với nước cốt chanh, hiện Chanh Việt đã xuất khẩu cho một đối tác Nhật Bản sau khi vượt qua những bài test tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là loại trừ sản phẩm biến đổi gen. Bên cạnh đó, anh đã gõ cửa các nhà sản xuất nước giải khát để làm ra sản phẩm “nước chanh nha đam mật ong” thơm ngon, bổ dưỡng, đặc biệt hữu ích với phái đẹp.
Phần nước chanh còn dư, Hiển cho cô đặc thành bột chanh, từ đó sản xuất sản phẩm muối chanh. Trong rất nhiều món ăn, chanh tươi được vắt vào để tạo mùi và vị. Sản phẩm muối chanh của Hiển rất tiện dụng sẽ giúp thay thế những quả chanh tươi. Anh cũng cho trộn bột chanh với các gia vị khác như lá chanh, tỏi, ớt, muối, tiêu… tạo thành hỗn hợp muối tiện dụng, giàu dinh dưỡng. Hiện sản phẩm này của Chanh Việt đã xuất đi thị trường Pháp và rất được ưa chuộng. Mới đây, một đối tác đến từ Mỹ cũng đã đặt hàng sản phẩm muối chanh của Chanh Việt với quy cách đóng gói thành các tuýp nhỏ thích hợp cho một lần sử dụng. Cũng với bột chanh đó, anh cho thêm đường, gia vị và đóng gói thành các tuýp nhỏ. Người dùng chỉ cần mở gói như gói cà phê hòa tan, quậy với nước là có ngay một ly nước chanh thơm ngon. Bên cạnh đó, sản phẩm lá chanh sấy khô của Chanh Việt cũng nhận được những phản hồi tích cực.
Điều đó càng làm Hiển tin tưởng rằng, anh đã đi đúng hướng. Chọn đường xuất ngoại ngay từ đầu là lối đi thách thức, nhưng cũng là chiến lược khôn ngoan của Hiển. Thị trường trong nước không dễ tính với những sản phẩm mới, nhưng khi đã chinh phục thành công thị trường năm châu, việc quay trở về nội địa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Anh đang dự tính cuối năm 2017, những sản phẩm của Chanh Việt sẽ chào sân thị trường trong nước.
Trải qua 6 năm đầu tư nông nghiệp, Hiển cho biết, vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực này đã lên tới khoảng 7-8 triệu USD, trong đó chỉ mới từ năm 2016 thu mới đủ bù chi. May mắn, toàn bộ vốn đầu tư đều là vốn của anh và các cổ đông. “Làm nông nghiệp đến nơi đến chốn chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Nhưng cần thời gian đầu tư dài hơi và không thể dựa vào vốn vay ngân hàng”, anh đúc kết.
Gắn bó với cây chanh, những tâm huyết của Hiển đã bắt đầu cho quả ngọt. Thế nhưng Hiển lại cho rằng, hành trình với cây chanh của anh chỉ mới đi được nửa chặng đường. Cuộc phiêu lưu với cây chanh của Nguyễn Văn Hiển và Chanh Việt chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ thú vị phía trước.
Đường dẫn tới thành công của Chanh Việt * Tìm kiếm sự hỗ trợ đắc lực từ địa phương và các nhà khoa học. * Mạnh dạn định hướng xuất khẩu ngay từ ban đầu. * Không ngừng tìm tòi, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới. * Chuẩn bị quay về chinh phục thị trường nội địa. |
Lê Dung