Năm 2015 kết thúc với nhiều thành tựu mới của Đồng Nai, đồng thời cũng mở ra một năm 2016 có nhiều cơ hội và thách thức mới, khởi đầu là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào ngày cuối cùng của năm 31-12.
Với một địa bàn có trên 10 ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, Đồng Nai cũng sẽ nhận được những ảnh hưởng sâu sắc nhất trong “cuộc chơi” hội nhập sắp tới, tạo nhiều cơ hội và thách thức, và trên hết, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho hội nhập.
Năm 2015 đánh dấu 2 sự kiện quan trọng là Hiệp định đối tác kinh tếxuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán và thành lập Cộng đồng ASEAN (AC). Suy nghĩ của ông về việc này như thế nào khi lãnh đạo mộtđịa phương có rất nhiều doanh nghiệp?
- Tôi vui mừng, và dĩ nhiên có một chút lo lắng vì hầu hết những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng lớn từ TPP hay AC đều là những ngành thế mạnh của Đồng Nai, như: da giày, dệt may, nông sản, chăn nuôi... Tuy nhiên, đến nay cũng đã tương đối rõ vì TPP đã công bố toàn văn, những ngành nào bị ảnh hưởng, lộ trình cắt giảm thuế thế nào và chúng ta có bao lâu để chuẩn bị cho một cuộc chơi thật sự, chúng ta đều đã biết nên tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn. Da giày, may mặc hưởng lợi ngay; riêng chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng lớn nhưng chưa phải bây giờ mà có gần 10 năm để chuẩn bị nếu TPP được thông qua vào năm 2016. Đó là một khoảng thời gian tương đối dài để ngành chăn nuôi chuẩn bị, kịp thời chấn chỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh.
2015 tiếp tục là một năm thành công của Đồng Nai trong điều hành chính sách kinh tế - xã hội với tổng giá trị sản phẩm tăng gần 12%; thu hút đầu tư nước ngoài gần 2,45 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014 và đặc biệt xuất siêu 1,4 tỷ USD; giải quyết việc làm cho hơn 92 ngàn lao động, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh (cao hơn chuẩn trung ương) dưới 1%... Đồng Nai có 3 huyện, thị hoàn thành nông thôn mới được Chính phủ công nhận là: TX.Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất và hiện toàn tỉnh có 88/133 xã đạt nông thôn mới. Năm 2015, thu ngân sách được gần 39.900 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014. Trong năm, tình hình kinh tế của Đồng Nai vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định, hoạt động sản xuất - kinh doanh được mở rộng, các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng sản lượng tiêu thụ... |
Ở vị trí lãnh đạo một địa phương có nhiều doanh nghiệp đóng chân, dĩ nhiên chúng tôi rất quan tâm đến tiến trình tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam. Nhiều luồng ý kiến lạc quan xen lẫn lo lắng, nhưng tôi cho rằng bất kể tham gia hội nhập ở khía cạnh nào thì nội lực của doanh nghiệp vẫn là điều cốt lõi.
Ông có tin tưởng vào nội lực của doanh nghiệp Đồng Nai trước những cơ hội lẫn khó khăn, thách thức mà hội nhập đặt ra?
- Tôi không thể khẳng định nội lực của tất cả doanh nghiệp Đồng Nai đều vững vàng, song qua nhiều cuộc trò chuyện và tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp FDI, vốn nhà nước và tư nhân trên địa bàn thì tôi tin vào nội lực của nhiều doanh nghiệp Đồng Nai. Mặt khác, Chính phủ khi quyết định tham gia vào một FTA nào thì đều có nghiên cứu và xem xét lợi ích tổng thể và có sự phân tích rất chi tiết từng ngành: dệt may lợi chỗ nào, da giày có thiệt hại gì không… và cân nhắc giữa được - mất và sẽ chọn lựa những FTA tốt nhất có thể. Do đó, tôi tin tưởng cơ hội sẽ nhiều hơn, và tôi nghĩ “được” hay “mất” nói cho cùng nằm ở sự chuẩn bị chu đáo của doanh nghiệp, càng chu đáo càng “được” nhiều hơn mất.
Tôi cũng cho rằng cạnh tranh là điều cần thiết để doanh nghiệp học cách lớn mạnh và tồn tại, và quan trọng nhất là cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho điều đó.
Đồng Nai đã ghi dấu ấn sâu sắc khi là địa phương đầu tiên được công nhận huyện nông thôn mới cho TX.Long Khánh và huyện Xuân Lộc vào đầu năm 2015, tiếp tục là Thống Nhất và các huyện khác cũng sẽđạt được điều này. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: sau nông thôn mới là gì và chúng ta cần làm gì đểtiếp tục cải thiện đời sống nông dân?
- Nói cho cùng, mục tiêu cao nhất của nông thôn mới là nâng cao đời sống và chất lượng sống của người dân nông thôn. Nếu không đạt được điều đó thì mọi thành tích đều là vô nghĩa. Đồng Nai đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thậm chí chúng ta “đi trước một bước” bằng Nghị quyết 26 về tam nông từ trước khi Chính phủ phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bởi lãnh đạo tỉnh luôn mong muốn hướng về nông thôn để giúp nông dân có đời sống tốt hơn.
. |
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (phải) tiếp ông Panyarak Poolthup, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan. |
Còn sau nông thôn mới là gì thì tỉnh đã cụ thể hóa bằng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nhưng cũng không ngoài mục tiêu tiếp tục nâng cao mức sống, thu nhập, chất lượng sống của người dân. Tôi nghĩ, tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của nông sản là hướng đi đúng đắn. Hiện tại, công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản, Israel... cũng đã tiếp cận nông dân Đồng Nai thông qua các chương trình hợp tác, ký kết. Tôi mong muốn trong tương lai, sản phẩm nông nghiệp có thể đứng vững trên sân nhà và xuất khẩu vào các thị trường lớn, bền vững từ những gì chúng ta xây dựng hôm nay.
Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2016, UBND tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện các đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước sạch phục vụ dân sinh, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và khu công nghiệp trong tỉnh, các tuyến đường cao tốc, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Nhiệm vụ trước mắt là chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch và các dự án trọng điểm đã ghi trong kế hoạch của UBND tỉnh, như: đường 319 nối dài, đường kết nối Khu công nghiệp Giang Điền vào đường Võ Nguyên Giáp, một số tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. |
Xuân Phú - Kim Ngân (thực hiện)
baodongnai.com.vn