Ngày 17/6 tại Hải Phòng, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới và Viện nghiên cứu logistics Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam”.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự có ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; ông Hoàng Xuân Hòa Vụ Trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Ngọc Đích - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải... cùng đại diện các ban ngành liên quan, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (chủ trì hội thảo) nhấn mạnh: Ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay đang nhận được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Từ tháng 8/2015 Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thành lập Ban Soạn thảo, chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan. Xây dựng Đề án “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam”. Tại công văn số 1443/ BCT-XNK ngày 19/2/2016, Bộ Công Thương đã giao cho Viện nghiên cứu logistics tham gia Ban soạn thảo đặc biệt chú trọng phần “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam”. Đây là một cơ hội quý báu để các doanh nghiệp dịch vụ logistics có dịp nhìn sâu sắc về năng lực thực sự của mình. Từ đó hiến kế các giải pháp có tính đột phá, ngắn hạn cũng như dài hạn phát nhằm triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Cuộc hội thảo lần này, là một trong những hoạt động theo đúng quy trình, tiến hành các bước hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam”. Đồng thời báo cáo Chính phủ vào tháng 10/2016.
Đại diện cho một trong những doanh nghiệp nước ngoài có nhiều hợp tác với ngành logistics Việt Nam. Ông Ruth Banomyong (chuyên gia ngành logistics Thái Lan), đã có phát biểu tổng kết sơ lược quá trình phát triển của ngành dịch vụ logistics hiện đại. Đồng thời nêu ra một số ví dụ về kinh nghiệm xây dựng, phát triển dịch vụ logistics của các quốc gia trên thế giới. So sánh với hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển của logistics Việt Nam. Trong phần đóng góp ý kiến về quản lý cấp cao đối với ngành Logistics, ông Ruth Banomyong đặc biệt nhấn mạnh đến những kinh nghiệm của quản lý cấp nhà nước, cũng như định hướng của các chính phủ trong quá trình phát triển logistcs của các quốc gia. Theo ông Ruth Banomyong, cũng như phần lớn các quốc gia có năng lực logistics mạnh mẽ trên thế giới, bất kể hành động của chính phủ Việt Nam cũng luôn có ảnh hưởng rất lớn với quá trình phát triển với ngành logistics.
Ông Trần Chí Dũng chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu logistics (VLA) đã thẳng thắn phản ảnh thực trạng chung của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đồng thời bổ sung một số ví dụ so sánh, nêu bật ra sự hạn chế trong tốc độ phát triển của ngành logistics. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chủ yếu mua CIF bán FOB (mua tại cảng đến và bán tại cảng đi) từ đó dẫn đến hệ lụy phải chịu khá nhiều lệ thuộc vào khách hàng. Chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp quen với việc sử dụng dịch vụ logistics chuyên nghiệp thuê ngoài, cùng với đó là hạ tầng chưa đồng bộ, nhân lực, nhân sự thiếu kiến thức chuyên ngành... Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển ngành logistics. Đồng thời chính các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện tại cũng chỉ có quy mô vừa và nhỏ. Năng lực và thị phần doanh nghiệp Việt Nam có tăng hàng năm nhưng không đáng kể. Số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay khoảng 1.300 doanh nghiệp, chiếm 25% thị phần, vốn điều lệ phần lớn khoảng 4- 6 tỷ đồng và chiếm khoảng 72% lao động nhưng được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%. trong khi đó số doanh nghiệp FDI khoảng 4-5% nhưng chiếm 75% thị phần.
Căn cứ trên phản ảnh thực tế với nhiều mặt hạn chế đó, đại diện hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ông Nguyễn Tương đã đưa ra một số kiến nghị và đề xuất đối với Chính Phủ. Theo ông Tương sự tăng cường năng lực phối hợp giữa các ban ngành quản lý dịch vụ logistics, các phương án nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách thủ tục cảng biển, thủ tục hải quan là vô cùng quan trọng... ông Nguyễn Tương cho rằng Bộ Công Thương cần có một Cục hoặc Vụ quản lý cụ thể đối với ngành logistics. Nền kinh tế Việt Nam gắn chặt với xuất khẩu, trong đó dịch vụ logistics là yếu tố then chốt.
Năm 2014 theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam được xếp hạng nằm trong nhóm 30% các quốc gia đứng đầu về năng lực logistics (đứng thứ 48/160 quốc gia). Tuy nhiên nếu so sánh với những nước có cùng mức độ lệ thuộc vào thương mại và có đặc điểm địa lý, kinh tế tương đồng thì Việt Nam đứng cuối cùng trong nhóm này. Chi phí mà các doanh nghiệp phải trả cho dịch vụ logistics ở Việt Nam rất cao, chiếm tới 25% GDP/năm, trong khi đó chi phí logistics của Mỹ khoảng 7,7% GDP/năm, các nước khối EU khoảng 10% GDP. Tại châu Á, chi phí logistics của Singapore vào khoảng 8% GDP, Nhật Bản khoảng 11% GDP, Trung Quốc khoảng 18% GDP.
Suốt cả một thời gian dài phát triển tự phát theo nhu cầu và không hiệu quả. Đến lúc này, để ngành kinh doanh dịch vụ logistics có thể bứt phá cải thiện hoạt động chuyên nghiệp hơn nữa, ngoài những cố gắng của từng doanh nghiệp. Quyền chủ động điều tiết ngành logistics của Chính Phủ đã trở nên vô cùng quan trọng, trong đó bao gồm cả chính sách giáo dục đào tạo nhân lực chuyên ngành. Cùng các quy hoạch cảng biển tương thích với hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy trên toàn lãnh thổ.