Ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến khoảng 500-600 triệu đồng. Chưa kể chi phí duy trì sinh hoạt, bến bãi, xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản...
Nông sản hỏng, xót xa lắm...
Anh Hiệp - Giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản - cảm thấy thực sự mệt mỏi sau nhiều ngày lo âu vì "kẹt" hàng trên cửa khẩu Lạng Sơn.
Qua điện thoại, giọng anh uể oải: "Tôi mới cho 2 container quay đầu về Hà Nội tiêu thụ. Không về kịp thì hỏng hết, đổ đi hết. Xót xa lắm".
Giá trị mỗi container thanh long của anh Hiệp ước chừng hơn 600 triệu đồng. Số thanh long này được công ty anh Hiệp chở từ Bình Thuận lên cửa khẩu Chi Ma chờ xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên theo thông báo từ phía nhà chức trách, cửa khẩu Chi Ma tạm dừng hoạt động từ ngày 8/12 do phía Trung Quốc phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại Trấn Ái Điểm. Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng đã gửi thư đề nghị khôi phục lại cửa khẩu này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía bạn.
Với việc quay xe lại thị trường nội địa tiêu thị, anh Hiệp cho biết sẽ phải chịu lỗ thấp nhất một nửa, thậm chí còn nhiều hơn, bán được là may.
"Mà cũng chỉ tiêu thụ được một phần thôi, chứ không phải cứ quay trở lại là bán được. Khó tiêu thụ lắm với số lượng lớn thế này. Ví dụ 1-2 container còn trôi chứ lên tới 3-4 thì chịu. Rẻ cũng không bán được vì sức mua nó chỉ có vậy, rẻ người ta ăn lên gấp đôi là cùng chứ cũng không thể gấp 5-7 lần được", anh Hiệp nói.
Một chủ lô hàng thanh long, xoài và mít khác cũng chia sẻ phải mất 3 ngày để đi từ Long An lên Lạng Sơn, thông thường thời gian thông quan và vào chợ biên giới thêm khoảng 1 tuần nữa.
Nhưng đợt này, các xe đã xuất phát từ cuối tháng 11 nhưng vẫn chưa thể vào bãi. Ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, có hàng nghìn xe vẫn nằm chờ dài ở bãi xe trung chuyển. Ở Tân Thanh, số lượng còn lớn gấp đôi.
Nói với Dân trí, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết: "Nông sản tắc thì đối mặt với nguy cơ hỏng, rất thiệt hại. Chúng tôi khuyến cáo hiệp hội, doanh nghiệp, bà con cố gắng xoay xở các phương thức bán hàng khác chứ không chỉ trông chờ ở khu vực cửa khẩu này được. Nhiều xe thời gian qua đã phải quay đầu bán trong nội địa".
Theo báo cáo mới nhất, thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản bắt đầu hư hỏng nên nhiều doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí.
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp sốt vó
Chia sẻ với Dân trí, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - không khỏi xót xa trước cảnh hàng dài container chở nông sản ùn ứ trên cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc.
Ông Nguyên tính toán, thiệt hại trong đợt ùn ứ này rất lớn. Con số có thể lên tới vài nghìn tỷ đồng. Ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến khoảng 500 triệu đồng. Cộng thêm cho phí tiền xe cũng lớn vì đa số các mặt hàng được chở ra từ Tiền Giang, An Giang, Quảng Ngãi, Bình Thuận…
Bức ảnh nông sản hỏng vì vật vã ở cửa khẩu được chia sẻ trên mạng (Ảnh: FB ĐNQ)
"Chưa kể chi phí duy trì sinh hoạt, bến bãi, xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản nghe đâu mỗi tài xế mất 1-2 triệu mỗi ngày. Cộng cả vào mỗi xe chắc tầm đến 600 triệu đồng, có xe còn hơn. Đối với doanh nghiệp, chủ hàng đây là khối tài sản vô cùng lớn với họ", ông Nguyên nói. Chưa kể đời sống các tài xế vô cùng chật vật vì "ăn bờ ngủ bụi", vật vờ mòn mỏi chờ…
"Nhiều tài xế họ muốn quay về lắm, nhưng chủ hàng thì cứ cố chờ, hy vọng phép màu xảy ra, nhưng khó lắm", ông Nguyên nói. Về giải pháp để xử lý tình hình ùn ứ này, ông Nguyên cho rằng Nhà nước cần phải can thiệp. Theo đó, căn cứ tình hình thông quan điều tiết ngay từ địa phương. Tránh việc các xe ùn ùn kéo lên rồi nằm chờ, vừa thiệt hại về kinh tế, vừa lo nguy cơ dịch bệnh.
"Hiện nay mới chỉ khuyến cáo thôi nhưng nếu chỉ vậy là chưa đủ. Doanh nghiệp họ đâu thể nắm hết tình hình, chưa kể giờ vụ mùa đến không thu hoạch họ biết tính làm sao? Họ không thể cứ ngồi nhà được, bắt buộc phải phi lên. Lúc này rất cần sự vào cuộc điều tiết của Nhà nước chứ không phải chỉ khuyến cáo thôi", ông Nguyên nói.
Thiếu vai trò nhạc trưởng, bộ ngành quản lý ở đâu?
Đối với gần 5.000 xe nằm chờ trên đó bây giờ, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng nên tính toán để can thiệp bằng cách hỗ trợ cho những xe quay đầu. Cụ thể đối với những xe đã đợi lâu, nông sản có dấu hiệu hư hỏng nên hỗ trợ một khoản để thúc đẩy họ chấp nhận quay đầu xe, giảm ùn tắc.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện việc xử lý ùn ứ trên các cửa khẩu còn thiếu vai trò "nhạc trưởng", thiếu sự quyết liệt ở các bộ ngành quản lý. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp vẫn còn lúng túng. Khâu thông tin cũng chưa tốt nên mới có chuyện lượng xe ùn ứ vẫn đang tăng lên.
Nếu tình trạng này không được xử lý tận gốc, theo ông Nguyên, nó vẫn sẽ diễn ra trong năm 2022. Bởi Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược Zero Covid-19. Cứ phát hiện một ca F0 là họ đóng cửa biên giới. "Không còn cách nào khác chúng ta phải tự sắp xếp ở phía chúng ta thôi", ông Nguyên nêu quan điểm.
Về phía các chủ hàng, doanh nghiệp, ông Nguyên cũng cho rằng cần thay đổi, xúc tiến đa dạng hóa thị trường. Thay đổi phương thức sản xuất theo tiểu chuẩn cao lên để bán các thị trường khác thay vì chỉ trông chờ thị trường Trung Quốc. Đồng thời nên nhập thêm công nghệ tiên tiến để tăng chế biến sâu các mặt hàng nông sản rau quả.
Ông Hiệp, Giám đốc Công ty Hoàng Hậu, cho biết có một số đơn vị có hợp đồng trước hết rồi nên dù không tiêu thụ được thì vẫn phải thu mua.
Khi hỏi về giải pháp là gì, ông Hiệp buồn rầu nói: Bán không hết, hư thì phải đổ đi. Khó có thể tìm thị trường khác tiêu thụ ngay, bảo quản nông sản thì thời gian rất ngắn.
Ông Hiệp cho biết nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chiếm lượng rất lớn. Nếu giảm thì ảnh hưởng đến doanh số, doanh thu, đời sống bà con, doanh nghiệp rất nhiều. Doanh nghiệp ông cũng bán cho thị trường châu Âu, Mỹ… nhưng đợt này khâu lưu thông trên biển rất chậm nên hỏng, lỗ nhiều, chi phí cũng cao.
"Trái cây có thời hạn ngắn. Đi châu Âu - Mỹ trước mất 22 ngày nay 40 ngày thì hỏng hết. Tình hình này quá khó, doanh nghiệp không còn oxy mà thở nữa. Doanh nghiệp khó trăm bề", chủ công ty chuyên xuất khẩu thanh long thở dài nói.