Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng nếu cứ tư duy “ao làng” như hiện nay, sẽ không thể làm ăn với đối tác nước ngoài.
Thay đổi công nghệ và tư duy giúp các doanh nghiệp cơ khí tồn tại và đủ sức cạnh tranh khi tham gia Hiệp định TPP. (Ảnh minh họa: KT).
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là nền tảng động lực nhưng sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa đủ sức để tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế.
Thực tế này đang tạo ra nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” khi các doanh nghiệp cơ khí tham gia vào “sân chơi TPP” - một hiệp định với rất nhiều lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa, nhưng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao về chất lượng, bản quyền, sở hữu trí tuệ, môi trường… trên mỗi sản phẩm hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển cơ khí Việt Nam, Chính phủ tuy đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho ngành cơ khí nhưng thời gian qua, các chính sách đó rất khó tiếp cận các doanh nghiệp. Ngành cơ khí đã phải tự vật lộn với cơ chế thị trường để tồn tại và không ít các doanh nghiệp đã thích ứng được và tìm được phân khúc thị trường cho mình, phát triển khá bền vững. Vì vậy, theo ông Thịnh, hội nhập không phải là một thử thách đáng sợ với đa số doanh nghiệp cơ khí.
“Khi TPP có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp cơ khí. Doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nhanh hơn với công nghệ của các nước phát triển thông qua các cam kết hỗ trợ thương mại. TPP tuy đòi hỏi cao về bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng cũng bảo đảm các thuận lợi hơn trong chuyển giao công nghệ. Đây là cơ hội các nước chậm phát triển hưởng các tiếp cận ưu đãi thông qua TPP nếu chọn đúng các công nghệ, đàm phán quyền ưu đã để nâng cao năng lực”, ông Thịnh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) lại cho rằng, quá trình sản xuất cơ khí của Việt Nam đến nay hầu như chưa thực hiện được nguyên tắc cơ bản là chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa rộng trong quá trình sản xuất để mang lại hiệu quả cao.
“Doanh nghiệp vẫn chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế. Do vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp và cho bản thân ngành chế tạo cơ khí, luyện kim. Số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2015, riêng nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng, linh kiện đã đạt giá trị 27,6 tỷ USD, chiếm gần 17% kim ngạch nhập khẩu của cả nước”, ông Long nói.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), ông Lê Văn Tuấn lại cho rằng, khi tham gia TPP, thách thức sẽ nhiều hơn là cơ hội. Bởi các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó chuẩn mực sản phẩm của họ cao hơn, trong khi các sản phẩm của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lại chưa đáp ứng được hoặc thiếu tính chuyên nghiệp.
“Thực tế việc chế tạo, xuất khẩu sản phẩm cơ khí đã được triển khai từ nhiều năm trước khi Việt Nam tham gia tham gia một số FTA song phương và đa phương khác. Tuy nhiên, các đơn hàng cứ mai một dần vì nhiều lý do, trong đó có tư duy của một số doanh nghiệp là khi những đơn hàng đầu tiên chất lượng đảm bảo nhưng càng về sau chất lượng giảm sút. Hoặc một số lãnh đạo doanh nghiệp khi bạn hàng đặt một số lượng nhỏ thì không quan tâm đúng mức mà bỏ qua, dẫn đến mất những đơn hàng lớn về sau”, ông Tuấn cho biết.
Chủ tịch VAMI, ông Nguyễn Văn Thụ thì cho rằng, để hội nhập thành công, trước hết các doanh nghiệp cơ khí phải thay đổi tư duy. Các doanh nghiệp phải liên kết, hợp tác để cùng phát triển. Cùng với đó, Chính phủ cần tạo môi trường, xây dựng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cả từ nguồn lực chính sách, con người và tài chính cho sự phát triển ấy.
“Thực tế các doanh nghiệp cơ khí trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực và tiềm lực còn hạn chế do đó vẫn tồn tại kiểu ăn xổi, chụp giật. Khi tham gia TPP, các doanh nghiệp sẽ phải đạt yêu cầu đơn hàng theo tiêu chuẩn của nước ngoài và sẽ không có chuyện chất lượng kém và chậm tiến độ. Nếu cứ tư duy “ao làng” như hiện nay, sẽ không thể làm ăn với đối tác nước ngoài”, ông Thụ cho biết.
Như vậy, để tự khẳng định và tạo ra được chỗ đứng vững chắc trong quá trình tham gia vào sân chơi TPP, trong lúc chờ đợi các chính sách của Nhà nước phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp cơ khí hơn lúc nào hết cần chủ động thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp.
Đặc biệt cần thiết là các doanh nghiệp cơ khí phải nhanh chóng thay đổi tư duy phát triển theo kiểu “tự phát” và “cát cứ”, thực hiện theo những mục tiêu riêng rẽ, không theo quy hoạch tổng thể dẫn tới phân tán nguồn lực, khó có thể hợp tác trong sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp nền tảng này.
(Theo VOV)