Quyết tâm của ngành Giáo dục & Đào tạo năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm được yêu cầu phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành Sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, điểm đầu vào sư phạm nằm trong tốp đầu…
Năm 2018 sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách đào tạo giáo viên. Ảnh minh họa: Q.Anh |
Sẽ đào tạo theo nhu cầu thực tế
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện 30 trường đại học sư phạm, trường đại học có ngành đào tạo sư phạm và trường cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
Hội nghị đã chỉ ra thực tế thời gian qua cho thấy, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm chưa đảm bảo cân đối về cơ cấu, trình độ và ngành nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, theo từng vùng miền, địa phương. Các chính sách thu hút người có năng lực theo học sư phạm chưa hấp dẫn, hệ quả là nhiều ngành Sư phạm cần, có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không tuyển sinh được. Điều kiện đảm bảo chất lượng của nhiều trường còn hạn chế.
Từ thực tế này, giải pháp quyết liệt được nêu ra để triển khai ngay từ đầu năm 2018 là đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu sử dụng. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và phân công công việc sau khi đào tạo. Các cơ sở đào tạo xây dựng đề án tuyển sinh cho từng ngành đào tạo giáo viên trên cơ sở đề xuất của địa phương và năng lực của cơ sở. Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo cơ chế đặt hàng dựa trên cơ sở nhu cầu của địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo.
Một vấn đề “nóng” nữa đó là nâng cao chất lượng nguồn tuyển, nhiều ý kiến cho rằng việc giao chỉ tiêu cần rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng. Đồng thời, cần có chính sách điểm sàn riêng đối với ngành Sư phạm để tuyển sinh được những người khá, giỏi. Tái cấu trúc các trường khối sư phạm cũng là vấn đề cần thiết, cần thực hiện trong tiến trình củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo hệ thống trường sư phạm hiện nay.
Chấm dứt tình trạng đào tạo ra rồi không sử dụng
Khắc phục những bất cập hiện nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đã đến lúc, ngành Sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng. Để làm được điều đó, phải gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng và yêu cầu chất lượng. Nhu cầu đó cần xuất phát từ việc rà soát đội ngũ của từng địa phương, đưa ra con số chính xác về nhu cầu giáo viên và cam kết sử dụng sau khi đào tạo. Về việc này, Bộ sẽ có trách nhiệm cùng làm việc với các địa phương để có giải pháp cụ thể.
Nêu phương hướng cụ thể, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành Sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp. Việc khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên những năm trước để lại, đây là việc chưa thể khắc phục ngay nhưng phải làm từng bước”.
Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các trường sư phạm nhanh chóng xây dựng danh mục giảng viên sư phạm chủ chốt ở tất cả các môn học, đội ngũ này cần tham gia tích cực để góp ý cho các môn học theo hướng kiến thức phải sát với thực tiễn và kế thừa hiện hành. Đồng thời, tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là thời điểm, cơ hội tốt nhất để tái cấu trúc bởi cả xã hội đang mong đợi các trường nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Các trường sư phạm căn cứ vào nhu cầu để có quy trình, cách đi phù hợp.
Giải quyết ngay tình trạng dư thừa giáo viên
Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng rất trăn trở về chất lượng giáo dục hiện nay, đặc biệt là những bất cập trong đào tạo giáo viên. GS Phạm Tất Dong cho rằng, để tạo sức hút cho ngành Sư phạm, trước tiên phải giải quyết ngay được tình trạng dư thừa giáo viên. Giáo viên hiện nay dư thừa rất lớn, đào tạo lại không có dự báo, sinh viên ra trường không có việc làm rất lãng phí, thừa thì vẫn thừa mà thiếu lại là thiếu những người dạy giỏi. Do đó, nên mở rộng trường lớp, để đội ngũ giáo viên dạy học theo đúng sĩ số lớp học đã quy định.
Ngoài ra, theo GS.TS Phạm Tất Dong, có một thực tế hiện nay là dù đào tạo ra giáo viên, song các trường sư phạm khá “lép vế” so với các trường khác, bởi thiếu thốn về cơ sở vật chất. Kể cả hai trường hàng đầu về sư phạm là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM còn thiếu thốn nhiều thứ, nói gì tới các trường khác. Vấn đề đãi ngộ cũng cần phải cải thiện, làm sao để sinh viên ra trường có việc làm luôn, mức lương đủ trang trải để yên tâm vào công tác. Chứ tình trạng vừa dạy học vừa lo làm thêm, dạy thêm để mưu sinh thì sau này ai còn đi thi vào sư phạm nữa!?
“Để giải quyết vấn đề tồn tại, Bộ GD&ĐT cũng như các Bộ, ngành khác cần xây dựng và công bố các chính sách ưu tiên cho đào tạo sư phạm như: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đào tạo sư phạm. Cho sinh viên sư phạm vay tiền ưu đãi khi đi học, có việc làm khi ra trường, các giáo viên dạy ở miền núi phải lương cao gấp rưỡi so với thành phố, có nơi ở để yên tâm công tác… Ngoài ra, nhà nước cũng như các địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng trường học ở những nơi khó khăn”, GS. TS Phạm Tất Dong chia sẻ.
| |
Cả nước có 58 trường ĐH sư phạm Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm). |
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)