Bỏ ra tiền tỷ để mua căn hộ được quảng cáo là trung cấp, cao cấp, chất lượng và tiện ích vượt trội, nhưng cư dân tại nhiều chung cư ở TP.HCM phải sống trong cảnh căn hộ nhanh xuống cấp, chất lượng quản lý dịch vụ kém, không tương xứng với sự "cao cấp" đã quảng cáo.
Ảnh minh họa.
Thực tế và quảng cáo: khoảng cách còn xa
Sau 2 năm đưa vào sử dụng, một số căn hộ tại chung cư Ehome 3 do CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) làm chủ đầu tư được người dân phản ánh đã bị thấm, có dấu hiệu xuống cấp. Dù rằng, ngay sau đó Nam Long đã có những giải pháp khắc phục và thực hiện sửa chữa nhưng đó có thể xem là một vết đen về chất lượng chung cư vừa túi tiền của nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp như Nam Long.
“Nhưng được như Ehome 3 vẫn còn may mắn” là phản biện của người dân tại chung cư Belleza, đường Phạm Hữu Lầu, Q. 7 do CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal, mã SCR) làm chủ đầu tư.
Theo phản ánh của các cư dân tại chung cư này, mặc dù đưa vào sử dụng đã lâu nhưng đến năm 2015 rất nhiều tiện ích như: đài phun nước, nhà cộng đồng vẫn chưa được chủ đầu tư đưa vào sử dụng, một số hạng mục đưa vào hoạt động lại có chất lượng không đạt như những gì chủ đầu tư quảng cáo trước đó. Tệ hơn, cuối năm 2015, theo phản ánh của cư dân Belleza, hệ thống bể nước, đường ống cung cấp nước và nguồn nước sinh hoạt tại đây không đạt vệ sinh, bị nhiễm khuẩn.
Bể nước sinh hoạt tại một chung cư tiền tỷ trước khi được khắc phục
Những bức xúc tương tự của cư dân cũng diễn ra tại chung cư Investco Babylon trên đường Âu Cơ, Q. Tân Phú do CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng làm chủ đầu tư. Investco Babylon bị nứt tường gây thấm, nứt sàn tầng hầm để xe,…
Một chung cư được quảng cáo là cao cấp trên đường Hoàng Hoa Thám, Q. Tân Bình cũng bị cư dân than phiền khá nhiều về chất lượng công trình và chất lượng dịch vụ như: thang máy hư hỏng, vỉa hè, lối đi bộ bị lấn chiếm, trần mái nhà thường bị bong tróc, thậm chí rơi ra từng mảng lớn khi có mưa gió.
Cũng như Ehome 3, các tiện ích của Belleza đã được đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cũng đã khắc phục tình trạng nước bẩn; các hạng mục của các chung cư khi có khiếu kiện cũng sẽ được các chủ đầu tư khắc phục. Nhưng nó đặt ra mối hoài nghi về chất lượng chung cư, dịch vụ tiện ích đi kèm giữa quảng cáo và thực tế.
Và, nếu mua nhà chung cư bạc tỉ chỉ để ở hay cho thuê thì việc chung cư nhanh xuống cấp, không đạt chất lượng như quảng cáo sẽ khiến người mua cảm giác không thỏa mãn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Ngoài ra, dẫu quan niệm rằng, mua nhà chung cư là để ở vì khó ai kiếm được lời, chấp nhận lỗ nhưng chung cư xuống cấp nhanh đã ảnh hưởng đến giá chuyển nhượng căn hộ khá nhiều và gây khó khăn trong tìm khách hàng nhận chuyển nhượng.
“Loạn chung cư cao cấp”
Các nhà phân tích, tư vấn bất động sản lâu năm có tâm huyết ở TP.Hồ Chí Minh từng than phiền trong hội nghị chuyên ngành về chất lượng cao cấp của chung cư, và “loạn chung cư cao cấp” khi mà các chủ đầu tư đều muốn khoác lên mình “chiếc áo cao cấp” để phục vụ mục đích bán hàng.
Bởi, nhiều dự án chung cư phân khúc trung bình, thấp nhưng các căn hộ góc, căn hộ có diện tích lớn nhất trong khu đều được chủ đầu tư “nâng cấp” thành dòng cao cấp, hạng sang…và đương nhiên cùng với việc nâng hạng căn hộ, giá bán cũng nâng theo đó.
Sacomreal từng công bố mở bán các căn hộ trong dự án Jamona Apartment – một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhưng hầu hết các căn hộ gốc, hướng nhìn đẹp, diện tích trên 70m² đều được Sacomreal phát triển thành nhóm Luxury Home. Theo thông tin chủ đầu tư quảng cáo, Luxury Home là một dự án cao cấp với những tiện ích vượt trội mà hiếm có dự án nào có được, có thể cho cư dân trải nghiệm một cuộc sống thượng lưu.
Nhưng như đã nói ở trên, Luxury Home là các sản phẩm “phái sinh” trong dự án Jamona Apartment - dự án nhà ở xã hội. Vậy thì ngoài diện tích khác biệt, được tặng thêm nội thất, Luxury có gì để có thể có một giá bán cao hơn giá các căn hộ còn lại đến gần 10 triệu đồng/m²?
Không chỉ có Jamona Apartment của Sacomreal, đảo qua các dự án nhà ở xã hội, dự án chung cư trung bình đều dễ gặp những sản phẩm căn hộ cao cấp, giá bán cao hơn rất nhiều nhờ tên gọi và nội thất.
Nên chăng cần có tiêu chí để phân loại chung cư cao cấp, chung cư hạng B, chung cư vừa túi tiền, nhà ở trung bình thấp…? Bởi việc phân loại chung cư không chỉ ảnh hưởng đến giá mua mà còn liên quan đến phí quản lý chung cư lâu dài mà người mua phải trả.
Tránh quảng cáo lập lờ, cần tiêu chí phân hạng chung cư
Để tránh việc các chủ đầu tư quảng cáo lập lờ, tự động gắn mác cao cấp đánh lừa khách hàng dẫn đến những câu chuyện cười ra nước mắt, cuối tháng 1 vừa qua, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tổ chức lấy ý kiến dự thảo về phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư, nhằm xác định giá trị chung cư, làm cơ sở để áp mức giá dịch vụ quản lý vận hành.
Theo dự thảo, đối tượng phân hạng là chung cư thương mại và chung cư tái định cư. Chung cư được chấm điểm và xếp thành 3 hạng A, B, C theo 4 nhóm tiêu chí, bao gồm tiêu chí quy hoạch kiến trúc; hệ thống kỹ thuật hạ tầng khu ở; mức độ và chất lượng hoàn thiện; tiện ích, chất lượng dịch vụ quản lý vận hành. Chung cư hạng A là cao cấp nhất với điểm số từ 90 - 100 điểm, hạng B từ 80 - 90 điểm, còn nhà hạng C dưới 80 điểm.
Dĩ nhiên từ dự thảo đến quyết định và đi vào thực tế là một đường dài, nên người dân cần chủ động để tránh thiệt hại cho mình. Theo giới chuyên môn, phương án khả thi nhất là khách hàng chỉ nên mua sản phẩm của những công ty bất động sản có thương hiệu trên thị trường, uy tín trong xây dựng cũng như giao kết với khách hàng, tránh ham rẻ để phải rước vạ vào người. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến các nhà quản lý chung cư sau khi chung cư đi vào vận hành.
Hồng Quân / BizLIVE