Các chủ cơ sở kinh doanh đang đối diện bài toán khó khi vẫn phải trả tiền mặt bằng hàng tháng, trong khi không sử dụng hoàn toàn công suất.
Starbucks, The Coffee House và nhiều chuỗi F&B lớn thường sở hữu mặt bằng đắt giá tại các TP lớn. Ảnh: Quỳnh Danh.
15h chiều 24/3, Starbucks Việt Nam nhận công văn của UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động từ 18h cùng ngày với cơ sở kinh doanh ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên. Một cuộc họp khẩn nhanh chóng diễn ra.
Starbucks quyết định vẫn mở cửa các điểm bán nhưng sắp xếp tối đa 30 chỗ ngồi, duy trì khoảng cách giữa các khách hàng tối thiểu 1,5-2m. Người dân được khuyến khích mua mang đi hoặc đặt trực tuyến.
Mặc dù lượng đơn hàng giao đi tăng lên nhưng không thể bù được doanh số thiếu hụt khi không phục vụ khách hàng tại quán. Starbucks Việt Nam tìm đến sự hỗ trợ của các chủ mặt bằng. "Có nơi giảm tiền thuê, có người không, nhưng có hỗ trợ là quý rồi, được bao nhiêu hay bấy nhiêu", đại diện Starbucks Việt Nam chia sẻ.
Mặt bằng 100 triệu đồng/tháng, không giảm sẽ "rất căng"
Cũng chung tình trạng trên, đội ngũ The Coffee House đang chia nhau liên hệ với các chủ nhà để thương lượng giảm giá thuê và hỗ trợ bằng các hình thức khác trong giai đoạn này.
Theo ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương mại và Marketing thương hiệu The Coffee House, chi phí mặt bằng trung bình của chuỗi này khoảng 100 triệu đồng/tháng, có nơi diện tích lớn lên đến 150 triệu đồng. "Nhân lên với số lượng chi nhánh thì một tháng chúng tôi chi đến mười mấy tỷ tiền mặt bằng, không giảm giá thuê sẽ rất căng", ông chia sẻ.
Đến nay, khoảng 60% chủ mặt bằng đã đồng ý giảm giá (20-50% tiền thuê), trong đó một số nơi miễn phí 1 tháng. Nhờ có sự hỗ trợ của những chủ nhà này, trong giai đoạn kinh doanh giảm sút vì Covid-19, The Coffee House vẫn duy trì đủ số lượng cửa hàng.
"Doanh nghiệp họ đuối lắm rồi. Tôi sẽ phải tiếp tục giảm tiền thuê thôi, bởi vì nếu họ không thuê, đóng cửa hàng thì giờ này cũng chẳng ai thuê mặt bằng để kinh doanh nữa", anh Đỗ Dũng - chủ một mặt bằng 96 m2 tại quận 3 (TP.HCM) chia sẻ.
Hiện mặt bằng này đang được thương hiệu thời trang nam thuê kinh doanh với mức giá 38 triệu đồng/tháng. Cách đây khoảng 1 tháng, anh nhận được văn bản từ doanh nghiệp xin giảm 25% tiền thuê nhà, và đồng ý ngay.
Sáng 26/3, anh lại tiếp tục nhận được "giấy cầu cứu" xin giảm 70%. Biết thêm thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động toàn bộ cơ sở dịch vụ ở các TP lớn, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, cơ sở khám chữa bệnh từ ngày 28/3, anh hiểu tình hình kinh doanh của công ty này sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới.
"Giờ là lúc chia sẻ nhất, hành động thôi", anh nói và bày tỏ mong muốn các chủ nhà khác chung tay giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.
Thương lượng vẫn cần cái "tình"
Tuy nhiên, chị N.T, đại diện một doanh nghiệp sở hữu 3 chuỗi nhà hàng lớn ở TP.HCM cho biết nhiều chủ nhà vẫn chưa chia sẻ khó khăn.
"Chúng tôi đang khá rối, cũng tính đến chuyện đóng cửa một số địa điểm. Nói chuyện tình nghĩa có vẻ làm khó cho cả hai bên vì bất động sản giai đoạn này cũng đi xuống, mà dựa trên hợp đồng thì không phải với đối tác nào cũng quy định chặt chẽ", vị này nói.
Thực tế, một số đơn vị cho biết đang hướng đến giải pháp áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng để thương lượng, nhưng không hề dễ dàng.
Đại diện chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản chia sẻ: "Trong hợp đồng có đề cập đến trường hợp bất khả kháng, nhưng áp dụng được hay không còn tùy thuộc vào quá trình thương lượng giữa hai bên. Chủ mặt bằng có thể cho rằng chưa có lệnh cấm hoạt động hoàn toàn, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, còn chúng tôi cũng không thể làm căng quá".
Trong bối cảnh hiện nay, chuỗi này tạm thời không tiếp khách tại tất cả nhà hàng ở TP.HCM và Hà Nội, chỉ phục vụ khách mua online hoặc đặt tiệc tại nhà, do đó sụt hơn 90% doanh thu. Mặc dù đã gửi văn bản xin hỗ trợ nhưng nhiều địa điểm không đồng ý. Mức giảm cao nhất đến nay mà đơn vị này nhận được là 50%.
Trong khi đó, khu chợ dưới lòng đất Central Market (quận 1, TP.HCM) đã chủ động đóng cửa từ ngày 20/3, dự kiến đến hết ngày 30/4.
"Chúng tôi làm việc với đối tác từ mấy năm nay, họ thuê từ chúng tôi rồi cho 200 tiểu thương khác thuê lại. Bây giờ đóng cửa là do dịch bệnh nguy hiểm, chúng tôi không thể thu tiền đối tác được. Họ cũng đóng cửa chứ có kinh doanh, có nguồn thu đâu", đại diện Công ty CP Địa ốc Cửu Long 23/9 - đơn vị chủ quản Central Market khẳng định.
Nhiều hàng quán buộc đóng cửa vì kinh doanh khó khăn giữa dịch Covid-19, hoặc bị yêu cầu tạm dừng hoạt động để hạn chế lây nhiễm virus. Ảnh: Y Kiện/Duy Hiệu.
Trao đổi với PV, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) đánh giá, diễn biến dịch Covid-19 hiện nay có thể xem là trường hợp bất khả kháng để các bên xem xét trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Trong khi đó, ngày 29/1, Bộ Y tế đã có quyết định bổ sung dịch Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Từ khi Chính phủ công bố dịch, các cơ quan ban ngành cũng ban hành nhiều văn bản để điều chỉnh, hướng dẫn người dân và cơ quan tổ chức phòng chống dịch. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp nhất là chỉ đạo của UBND các tỉnh, TP về việc tạm dừng hoạt động một số loại hình kinh doanh để hạn chế lây nhiễm.
Tuy nhiên, theo luật sư Hà Hải, không phải hợp đồng nào cũng có điều khoản về sự kiện bất khả kháng, thậm chí có đề cập nhưng không quy định rõ cách giải quyết.
"Đa số đơn vị thuê và cho thuê mặt bằng hiện nay chưa đủ chuyên nghiệp, họ không đánh giá cao vấn đề giao kết hợp đồng, không dự liệu nhiều tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, nước ta vẫn còn văn hóa trọng chữ 'tình' nên việc dựa trên hợp đồng để giải quyết khá khó khăn. Bên cho thuê không biết có nên giảm hay không, dựa trên cơ sở gì, còn bên thuê nhận thấy thiệt hại nhưng không biết lập luận như thế nào cho hợp lý, sợ làm mất lòng chủ nhà. Do đó, đến cuối cùng, thương lượng vẫn cần cái 'tình'", ông nhận định.