Ở đa phần các nước trên thế giới, Nhà nước có một chương trình khung, kết nối chiều rộng từ lớp 1-12 theo từng môn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đi theo hướng như vậy.
Trên đây là ý kiến của TS Phạm Hiệp về chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TS Hiệp là một trong 4 nhà khoa học được nhận giải thưởng "Nhà nghiên cứu xuất sắc về quốc tế hóa giáo dục", của Hiệp hội Giáo dục so sánh và Quốc tế - Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế, năm 2022.
Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu một số vấn đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành sách giáo khoa bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành.
Chương trình phổ thông 2018 theo hướng thế giới
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Hiệp cho biết, tùy từng quốc gia nhưng cơ bản chương trình phổ thông ở nhiều nước đều có mẫu số chung: Nhà nước có một chương trình khung và sách giáo khoa là học liệu xung quanh, phục vụ cho chương trình khung ấy.
Chương trình phổ thông của thế giới cũng chỉ có một số nguyên tắc chung như vậy và chương trình phổ thông 2018 của chúng ta đang đi theo nguyên tắc chung ấy của thế giới.
Chương trình phổ thông 2018 của Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới (Ảnh: Mỹ Hà).
Cụ thể, chương trình khung này sẽ kết nối theo chiều rộng từ lớp 1-12 theo từng môn, còn chiều ngang liên môn với nhau để đầu ra môn này chuẩn bị cho đầu vào môn kia.
Chẳng hạn đầu ra môn toán là đầu vào cho môn khoa học tự nhiên. Đầu ra môn lịch sử hỗ trợ cho đầu vào môn văn học.
Thậm chí ở nhiều nước, chương trình khung còn chi tiết đến từng bang, việc phân cấp cao hơn ở nước ta.
Nếu trước đây, chúng ta chỉ có chương trình từng môn, hiện nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đi theo hướng trên thế giới, nghĩa là có một chương trình khung và nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), ngoài ra có chương trình địa phương và chương trình nhà trường.
Như vậy chúng ta đang đi theo xu hướng của thế giới. Thậm chí có thể có một chương trình nhiều bộ SGK, từng trường được tự chọn SGK, có một bài giảng.
Mỗi trường dùng một bộ SGK xem như một học liệu nhưng có thể "cấy" thêm hoặc bớt đi dưới sự phê duyệt của nhà trường.
Cũng theo TS Hiệp, SGK nên ổn định, hiện chương trình phổ thông mới đã phủ sóng gần hết các khối lớp, các trường đã bắt nhịp làm quen, nếu thay một bộ mới sẽ gây xáo trộn.
Thậm chí để làm một bộ SGK phải mất đến 10 năm mới xong, nếu làm vội vàng sẽ lại bị chê, như vậy ko phù hợp, thậm chí lo ngại độc quyền.
"Theo tôi, thời điểm này nên đánh giá lại khung chương trình 2018 sau 3 năm thực hiện còn gì bất cập để chỉnh sửa phù hợp, việc đào tạo giáo viên sư phạm phải thay đổi ra sao chứ không phải tính chuyện xáo trộn SGK.
Cụ thể, việc thực hiện tích hợp trong chương trình mới như thế nào, môn lịch sử trở thành bắt buộc chương trình mới sẽ thay đổi ra sao", TS Hiệp nói.
Chuyên gia cho rằng, chưa đồng bộ giữa SGK và thi cử (Ảnh: Mỹ Hà).
Chưa đồng bộ giữa sách giáo khoa và thi cử
Về điều này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nên nghiên cứu cẩn thận tính toán được và mất để có chính sách hài hòa, phù hợp với bối cảnh hiện tại và sau 10 năm nữa về câu chuyện chương trình và SGK.
Về ưu điểm, việc sử dụng nhiều bộ SGK giúp đưa ra các quan điểm, phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận chủ đề khác nhau, cung cấp cho học sinh sự hiểu biết toàn diện hơn về chủ đề.
Sử dụng các sách giáo khoa khác nhau có thể cho phép giáo viên lựa chọn tài liệu phù hợp hơn với sở thích và nhu cầu của từng học sinh.
Việc tiếp xúc với các quan điểm và cách diễn giải khác nhau, từ các bộ sách giáo khoa khác nhau, có thể khuyến khích các kỹ năng tư duy phản biện và giúp học sinh phát triển khả năng phân tích và đánh giá thông tin.
Giáo viên có thể linh hoạt trong việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với phong cách giảng dạy và điểm mạnh của họ, dẫn đến sự tham gia và nhiệt tình hơn trong lớp học.
Giáo viên có thể thử nghiệm các giáo án và phương pháp giảng dạy sáng tạo để thu hẹp khoảng cách giữa các bộ sách giáo khoa khác nhau, thúc đẩy sự đổi mới trong lớp học.
Về nhược điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh đưa ra 10 vấn đề, trong đó cho rằng, việc sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau dẫn đến sự không thống nhất về chương trình giảng dạy.
Học sinh trong các lớp học có sách giáo khoa khác nhau có thể tiếp cận các nguồn lực và chất lượng giáo dục không đồng đều, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.
Đặc biệt, học sinh chuyển giữa các trường có thể gặp khó khăn trong việc bắt kịp chương trình giảng dạy do sự khác biệt về phạm vi và tiến độ nội dung.
Cũng theo chuyên gia này, giữa chương trình, SGK và kiểm tra đánh giá hiện chưa thật đồng bộ.
Cụ thể, cách tiếp cận giáo dục theo năng lực nhưng thi tốt nghiệp hay kiểm tra đánh giá chưa tiếp cận đánh giá theo năng lực mà chủ yếu là thi trắc nghiệm.
Quá trình phát triển năng lực không thấy đo lường đầy đủ trong các bài trắc nghiệm.
Ví dụ dạy học sinh làm dự án, thực hành thí nghiệm nhưng khi thi trắc nghiệm dường như bỏ qua kỹ năng đánh giá năng lực.
Cuối cùng, ông Vinh cho rằng, quyết định sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau trong trường học phụ thuộc vào mục tiêu giáo dục, triết lý giảng dạy, nguồn lực và sự hỗ trợ sẵn có trong môi trường học đường.
Cân bằng những lợi ích tiềm năng với những thách thức là rất quan trọng trong việc đưa ra lựa chọn sáng suốt.
Các trường có thể xem xét các chiến lược như mục tiêu học tập được xác định rõ ràng, sự cộng tác của giáo viên và phát triển chuyên môn hiệu quả để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu nhược điểm của việc sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau.