Đầu tư khoa học công nghệ giờ phải một chủ trương mở, khuyến khích các thành phần khác nhau tham gia vào chứ không chỉ khuyến khích doanh nghiệp Nhà nước làm.
Hiện tại, Chính phủ đang khuyến khích một làn sóng rộng khắp các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ. Các mô hình doanh nghiệp trên thế giới đều chỉ ra rằng: Đây sẽ là một hướng đi bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp Nhà nước, câu chuyện lại rất khác. Theo quan điểm mà chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan đưa ra mới đây tại hội thảo "Tổ chức thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả và thực chất” thì việc các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào khoa học công nghệ là không nên vì có thể tạo ra rủi ro lớn về mất vốn Nhà nước.
DNNN đầu tư khoa học công nghệ dễ mất vốn
Chủ trương doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào khoa học công nghệ mà bà Lan nhắc đến thể hiện tại Điều 10 của 'Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp' cũng như trong 'Nghị định Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp' của Chính phủ.
Thế nhưng, theo vị chuyên gia kinh tế thì chủ trương này lại không hề được thấy trong Nghị quyết trung ương 5. Việc một chủ trương không được nhắc đến trong Nghị quyết trung ương nhưng lại được nhấn rất mạnh trong Nghị định Chính phủ và Luật là một điều bất ngờ với chuyên gia này.
"Tôi khá giật mình bởi khi điểm lại các văn bản gần đây nhất thì có chủ trương doanh nghiệp Nhà nước sẽ tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ. Đồng thời, chủ trương cũng đưa ra rất nhiều yêu cầu về đầu tư những ngành khoa học công nghệ mới", bà Lan ngạc nhiên cho biết.
Hội trường buổi hội thảo |
Nếu doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào khoa học công nghệ thì nguồn vốn lấy từ đâu? Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nguồn tiền có thể kể đến từ thoái vốn, cổ phần hóa chính các doanh nghiệp Nhà nước.
Nguồn vốn rút về từ các hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa với mục đích để giải phóng vào xã hội tuy nhiên bà Lan quan ngại nguồn tiền này lại chảy ngược vào các doanh nghiệp Nhà nước với lĩnh vực đầu tư mới. Và điều đáng nói, lĩnh vực đầu tư được chọn lại chứa đẩy rủi ro và tiềm tàng khả năng vốn Nhà nước sẽ 'chưa sinh lãi mà đã bay'.
Thực tế các nước đều chỉ ra để đầu tư cho một dự án khoa học công nghệ mới, đủ sức tác động đến nền kinh tế, xã hội thì số tiền cần bỏ ra cũng sẽ là rất lớn. Hơn nữa, đó là trường hợp của những quốc gia đã có tiềm lực công nghệ như Mỹ, Nhật... Còn với Việt Nam, câu chuyện có lẽ sẽ rất khác.
Bà Chi Lan cho rằng phương thức này dù mục đích là phát triển công nghệ tuy nhiên không nên dùng tiền Nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực đầy mạo hiểm, đầy rủi ro và không ai kiểm soát được.
Học tập từ nước Mỹ, hãy để tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư khoa học công nghệ
Tất nhiên, chủ trương đầu tư vào khoa học công nghệ thì vẫn rất cần khuyến khích, vấn đề là chủ trương ấy cần thực hiện sao cho ổn thỏa.
Trong phần bình luận của mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nêu ra giải pháp hiện được thế giới sử dụng và Chính phủ có thể xem xét tới: Giao cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, cho tư nhân đầu tư, khu vực Nhà nước sẽ không 'động vào'.
"Nhà nước nếu cân nhắc đầu tư vào khoa học công nghệ thì sẽ có lựa chọn hoặc phải đầu tư rất nhiều tiền - giống như những dự án tỷ USD của Chính phủ Mỹ, hoặc là giao cho tư nhân các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính vì thế người ta mới sinh ra các quỹ đầu tư mạo hiểm" - Chuyên gia Phạm Chi Lan giải thích.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Lê Xuân Bá ở phần bình luận sau đó đã nhắc đến trường hợp công ty SpaceX chuyên nghiên cứu về công nghệ vũ trụ và tên lửa tại Mỹ của tỷ phú Elon Musk.
SpaceX - công ty tư nhân đầu tiên tại Mỹ phóng thành công tên lửa |
Theo ông, đây là mô hình mà Việt Nam hoàn toàn có thể học tập: Tư nhân có tiềm lực và năng lực nhận hỗ trợ của Chính phủ để nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy Chính phủ Mỹ hoàn toàn không góp phần vốn nào nhưng Tiến sĩ Bá khẳng định: "Tôi đố công nghệ đó rò rỉ ra ngoài nước Mỹ được. Tư nhân làm nhưng công nghệ thuộc về cả nước Mỹ".
Thực tế, ở Mỹ - nơi có những 'gã khổng lồ công nghệ' (tech giants) - thì lượng vốn đầu tư, cũng như hiệu quả đầu tư vào khoa học công nghệ của khu vực tư nhân đã vượt xa khu vực Nhà nước.
Ví dụ, ở lĩnh vực công nghệ thời sự nhất hiện nay là Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) thì lượng vốn Chính phủ Mỹ đã bỏ vào chỉ là khoảng 40 tỷ USD trong năm 2017 này, theo Business Insider dự đoán.
Trong khi đó, danh sách 19 công ty IoT tư nhân lớn mạnh nhất trên thế giới được đưa ra bởi trang ComputerworldUK thì đã có tới 13 công ty của Mỹ: Amazon, AT&T, Cisco, Dell, GE, Google, HPE, IBM, Intel, Microsoft, Oracle, Qualcomm, Salesforce. Nhẩm tính mỗi công ty trong nhóm này đầu tư từ 3 - 5 tỷ USD cho các dự án IoT thì có thể nói chắc chắn lượng đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực IoT lớn hơn so với đầu tư công.
Về hiệu quả, có lẽ điều này đã quá rõ ràng. Giờ đây, cả thế giới đang biết đến, và sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của 'con quái vật Amazon', hay cũng được nghe những tiếng vang lớn về các dự án của Google, Intel hay IBM...
Quay về với Việt Nam, có thể thấy nhận định trên của Tiến sĩ Bá cũng củng cố 'kế sách' của bà Lan. Nếu chúng ta sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư khoa học công nghệ thì sẽ có một 'quỹ mạo hiểm khổng lồ vốn Nhà nước' được tạo ra.
"Nếu đầu tư vốn Nhà nước như thế thì rút cục, con số hơn 296.000 tỷ mà ước tính có thể thu hồi được từ thoái vốn, cổ phần hóa thì chúng ta lại cho vào một quỹ mạo hiểm to đùng, chỉ để đạt được chủ trương đầu tư vào khoa học công nghệ" - Bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế khẳng định chủ trương dành cho khoa học công nghệ giờ phải một chủ trương mở, "khuyến khích các thành phần khác nhau tham gia vào chứ không chỉ khuyến khích doanh nghiệp Nhà nước làm".
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ