Trong khi xuất khẩu vàng trang sức sang Mỹ, Bỉ, Pháp, Australia,... giữ ở mức ổn định thì xuất khẩu mặt hàng này sang Thụy Sỹ lại bất ngờ tăng tới hơn 2.300%. Vì sao năm nay Thụy Sỹ lại nhập nhiều vàng trang sức của Việt Nam đến vậy?
Vàng trang sức ồ ạt chảy sang Thụy Sỹ
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sang Thụy Sỹ 9 tháng 2016 lên tới 324,7 triệu USD, tăng tới 2.381% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2015 xuất khẩu mặt hàng này sang Thụy Sỹ mới đạt hơn 13 triệu USD).
Đại diện Tổng cục Hải quan nhận xét hiện chưa thấy có vấn đề nào bất thường trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này.
Tuy nhiên, lý giải việc vàng trang sức xuất khẩu sang Thụy Sỹ đột biến tăng mạnh, ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hé lộ nhiều thông tin bất ngờ.
Vàng trang sức ồ ạt chảy sang Thụy Sỹ để nấu thành vàng thoi. Ảnh minh họa: L.Bằng
Ông Hùng cho hay, khi Nghị định 24 của Chính phủ ra đời, chưa năm nào giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới. Song, lần đầu tiên trong năm nay, từ tháng 3 đến tháng 7, giá vàng trong nước thấp hơn giá quốc tế trung bình từ 300.000-500.000 đồng/lượng, nhất là sau sự kiện Brexit (Anh bỏ phiếu rời EU) giá vàng trong nước có lúc thấp hơn giá thế giới gần 1 triệu đồng/lượng. Thông thường, khi chênh lệch như vậy, DN sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức để thu lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông Hùng đặt nghi vấn cho rằng, có thể Thụy Sỹ nhập vàng trang sức của Việt Nam chủ yếu để phân kim và nấu lại thành vàng thỏi 99.99% để xuất khẩu trở lại thị trường quốc tế. Đây không phải là thị trường tiêu thụ trang sức, họ mua vàng nguyên liệu là chính.
Thời điểm giá trong nước thấp có thể DN đã tận dụng xuất khẩu vàng, nhưng khi giá trong nước cao hơn giá thế giới thì việc đó không còn.
“Hầu hết các nước đều thế. Khi giá vàng trong nước thấp hơn giá quốc tế, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc,... cũng xuất vàng trang sức sang để Thụy Sỹ phân kim lại, nấu thành vàng miếng, vàng thoi. Bởi, Thụy Sỹ là trung tâm phân kim vàng, chiếm tới 60% thị phần tinh luyện vàng toàn thế giới”, ông Hùng chia sẻ.
Lợi dụng kẽ hở
Theo các chuyên gia, việc DN ồ ạt xuất khẩu vàng trang sức sang Thụy Sỹ để nấu thành vàng miếng là một hoạt động nhằm tránh phải chịu thuế xuất khẩu cao do Bộ Tài chính quy định, lách luật cấm xuất khẩu vàng miếng. Thực tế, 5 năm trước, có thời điểm xảy ra tình trạng doanh nghiệp lách quy định cấm xuất khẩu vàng miếng bằng việc xuất khẩu vàng nữ trang hàm lượng cao (từ 95% trở lên).
Để ngăn chặn việc này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 157/2011/TT-BTC, yêu cầu doanh nghiệp phải giám định hàm lượng vàng trước khi xuất khẩu.
Tiếp đó, tháng 5/2015 Bộ này đã tăng thuế xuất khẩu từ 0% lên 2% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng trên 95% nhằm hạn chế khả năng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nhiều biện pháp quản lý được đưa ra, nhưng việc ồ ạt xuất khẩu vàng trang sức sang Thụy Sỹ cho thấy việc này cần phải kiểm tra lại để xác định sự tăng trưởng này liệu có gì bất thường?
Theo Tổng cục Hải quan thì lực lượng kiểm soát chống buôn lậu trong thời gian từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016 chưa phát hiện vụ việc liên quan đến xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức.
"Bởi các doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức đều làm đúng các quy định hiện hành về xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, mặc dầu thông thường vàng trang sức phục vụ tiêu dùng chỉ có hàm lượng tối đa là 75%", đại diện HIệp hội vàng giải thích.
Hiện tại, quy định của Việt Nam chỉ cho phép xuất khẩu vàng trang sức dưới 95% hàm lượng vàng với thuế suất 0%. Còn nếu hàm lượng vàng trên 95% thì thuế suất là 2%. Với mức thuế suất này, đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng cho hay, DN sẽ không xuất khẩu được vì không có lãi. Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất vàng trang sức với hàm lượng vàng dưới 95%.
Thực tế, sau khi tăng thuế lên 2% với vàng trang sức trên 95% hàm lượng vàng, DN chỉ xuất khẩu loại dưới 93% với thuế suất 0%. Tổng cục Hải quan cho hay, 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này là 324,7 triệu USD.
Điều đó đặt ra câu hỏi, việc “siết” xuất khẩu vàng nguyên liệu hay tăng thuế vàng trang sức đã đủ sức ngăn cản được việc DN xuất vàng nguyên liệu dưới dạng vàng trang sức như được đặt ra ở trên?.
Bên cạnh đó, Hiệp hội kinh doanh vàng phản ánh thực tế, chênh lệch giữa giá vàng miếng so với giá vàng quốc tế, có thời điểm lên tới 5 - 7 triệu đồng mỗi lượng khiến cho DN gặp khó khăn khi mua vàng nguyên liệu với giá cao hơn giá vàng quốc tế. Điều này khiến cho DN khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Lương Bằng / vietnamnet