Nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế dẫn tới cải thiện năng suất, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023...
Dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam" được CIEM công bố ngày 22/4 đã xây dựng 3 kịch bản cho giai đoạn 2021-2023 (ứng với các giải pháp bình thường như hiện nay; nới lỏng tài khoá và tiền tệ; nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế).
Theo đó, tăng trưởng GDP của 3 năm từ 2021-2023 ở kịch bản "bình thường" lần lượt là 5,98%; 6,45%; 6,61%. Trung bình cả giai đoạn 3 năm ở kịch bản này là 6,35%.
Ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ, GDP tăng 6,43%; 6,80% và 6,83%; và trung bình cả 3 năm là 6,69%.
Ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với với cải cách thể chế, GDP lần lượt tăng các mức 6,47%; 6,88% và 6,92% với trung bình cả giai đoạn 3 năm là 6,76%.
Bình luận về triển vọng tăng trưởng trong 3 năm tới, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng: "Nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định".
Năm 2020, Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 2,91%, và phục hồi ở mức 4,48% trong quý 1/2021. Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Dù còn thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19, kết quả tăng trưởng này của Việt Nam cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả khu vực Đông Á.
Từ năm 2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Tuy số doanh nghiệp thành lập mới trong cả năm 2020 giảm 2,3% so với 2019 nhưng tổng vốn đăng ký tăng 29,2%, cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp cũng có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới (đặc biệt gắn với nền tảng số).
Đáng lưu ý, tổng vốn phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2020 tăng 5,7%, thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ trọng đầu tư/GDP năm 2020 đạt 34,4%. Hiệu quả đầu tư tính theo hệ số ICOR sụt giảm đột ngột trong năm 2020, hệ số ICOR tăng tới gần 14,3. Vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỉ USD, giảm 25%; vốn FDI thực hiện đạt 19,98 tỷ USD.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, song Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro "cạn kiệt" không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế".
"Dưới góc nhìn của chúng tôi, nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết và/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế", Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.