Tăng trưởng GDP đạt 6,82%, lạm phát ở mức 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10,4% là dự báo của CIEM về một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2016.
Ảnh minh họa. |
Ngoài việc đánh giá các chỉ tiêu kinh tế đã đạt được trong năm 2015, tại báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV/2015, nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cũng đưa ra dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2016.
Trong điều kiện "bình thường", phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và tình hình phát triển kinh tế trong nước, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 ước đạt 6,82%.
Báo cáo cũng dẫn số liệu tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6,2%) và cho biết, kết quả này cao hơn so với trung bình giai đoạn 2011-2015 (5,91%/năm) và giai đoạn 2007-2015 (6,05%/năm). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2015 còn thấp hơn so với mức trung bình giai đoạn 1990-2006 (7,6%/năm).
“Dù tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, GDP của Việt Nam vẫn mới chỉ đạt mức tương đương với xu thế dài hạn. GDP chưa tăng vượt đáng kể so với mức xu thế dài hạn trong suốt giai đoạn 2013-2015.
Diễn biến tăng trưởng GDP so với xu thế và chu kỳ. (Nguồn: CIEM) |
Diễn biến chu kỳ trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy ngay cả khi GDP vượt xu thế dài hạn, kết quả này cũng chưa thật sự bền vững. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn thiếu một động lực tăng trưởng đủ mạnh”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh dự báo tăng trưởng GDP, báo cáo của CIEM cũng cho biết, chỉ tiêu lạm phát năm 2016 dự báo ở mức 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu 10,4%, cao hơn so với năm 2015. Thâm hụt thương mại ở mức 4,1 tỷ USD chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Mức tăng tiêu dùng khoảng 4,37%.
Điều kiện "bình thường" được báo cáo làm rõ là GDP của các nước đối tác tăng 3,4%; mức giá của Hoa Kỳ tăng 1%; giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2%; giá dầu thô thế giới giảm 17,6% so với mức giá xuất khẩu trung bình năm 2015.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD danh nghĩa được điều chỉnh tăng 4%, tín dụng tăng 16%, giá nhập khẩu giảm 2%, lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên như năm 2015, vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 10% so với năm 2015, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được bổ sung lần lượt 254.950 tỷ đồng và 100.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM cũng đề cập một số rủi ro, bất định của kinh tế thế giới năm 2016 như đà phục hồi chậm, xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, riêng rút vốn khỏi Trung Quốc từ 6/2014 đến tháng 11/2015 là 1.000 tỷ USD; giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới giảm kể cả với các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Trong nước, các rủi ro liên quan đến cải cách thể chế, áp lực tỷ giá và lãi suất, áp lực từ phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất và tín dụng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn rủi ro lạm phát do thâm hụt ngân sách kéo dài, tăng giá các mặt hàng, dịch vụ nhà nước kiểm soát giá, tăng lương, chi phí cho doanh nghiệp...
Theo đó, nhóm tác giả của CIEM kiến nghị cần giảm tính chi phối của chính sách tài khóa, hướng tới giảm thâm hụt ngân sách còn 4% GDP trước khi Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực. Bảo đảm kỷ luật chi, kỷ luật phát hành trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt nhấn mạnh, không coi việc thu ngân sách từ doanh nghiệp là thành tích.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cho việc thực hiện các Hiệp định thương mại (FTA) đã và sắp ký kết như AEC, Liên minh Kinh tế Á - Âu, FTA với Hàn Quốc, TPP....
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu CIEM đánh giá, việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, giảm chèn lấn của khu vực công đối với khu vực tư nhân.
TÂM AN - BizLIVE