Ở Việt Nam, dù với chiến lược đầu tư bài bản nhưng cho đến nay Starbucks mới chỉ nắm được chưa đầy 3% thị phần.
Việt Nam nổi tiếng với cà phê, người ta biết đến cà phê đen và nếu cho thêm chút sữa vào sẽ gọi là cà phê sữa.
Cà phê mà người Việt Nam uống được làm từ hạt cà phê robusta, khi uống có vị dịu và hàm lượng cafein cao hơn nếu so với cà phê làm từ hạt cà phê arabica được bán phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, người ta uống cà phê ở mọi nơi, từ các quán cà phê vỉa hè cho đến các nhà hàng hoặc tự pha uống tại nhà.
Thế nhưng tại các chuỗi quán cà phê quốc tế tại Việt Nam, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy loại cà phê truyền thống này bởi các quán thường bán cà phê làm từ hạt cà phê arabica với vị nhẹ hơn rất nhiều. Công thức phục vụ này có thể phát huy hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam, cách thức bán hàng này có thể không thực sự phù hợp, CNBC mới đây đã công bố một phóng sự lý giải cho thành công vô cùng hạn chế của các hãng cà phê ngoại tại Việt Nam.
Điều này lý giải cho việc các chuỗi cà phê nước ngoài không thực sự thành công tại thị trường trà và cà phê Việt Nam được ước tính có quy mô lên đến 1 tỷ USD.
Starbucks là một thương hiệu toàn cầu với hơn 30 nghìn quán cà phê trên khắp thế giới. Gloria Jeans có hơn 760 quán cà phê trên hơn 53 quốc gia khắp toàn cầu. Thế nhưng cả hai chuỗi này đều không thể chinh phục được thị trường Việt Nam. Gloria Jeans đã buộc phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam vào năm 2017 sau 10 năm chật vật trên thị trường.
Starbucks vào Việt Nam từ năm 2013 thế nhưng cho đến nay thị phần mà Starbucks có được vẫn vô cùng khiêm tốn. Cho đến thời điểm hiện tại, CNBC thống kê rằng Starbucks mới có được chưa đầy 3% thị trường cà phê và trà quy mô 1 tỷ USD của Việt Nam.
Tính trong tương quan so với các thị trường khác, nếu như ở Malaysia, cứ 104.982 dân có 1 cửa hàng Starbucks; ở Thái Lan cứ 175.040 người có 1 cửa hàng Starbucks; ở Campuchia cứ 913.862 người có 1 cửa hàng Starbucks thì tại Việt Nam thì với 1.673.109 người mới có 1 cửa hàng cà phê Starbucks. Điều đó cho thấy cuộc cạnh tranh giữa các hãng cà phê ngoại với các chuỗi cà phê nội vô cùng khốc liệt. Các chuỗi cửa hàng cà phê nội địa đang mở rộng nhanh và kinh doanh hiệu quả hơn so với các đối thủ ngoại.
Người ta không khỏi đặt câu hỏi: Các hãng cà phê ngoại có cửa cạnh tranh ở Việt Nam hay không?
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Giá trị xuất khẩu cà phê năm gần nhất của các nước lớn nhất thế giới lần lượt như sau: Brazil 4,62 tỷ USD; Việt Nam 3,10 tỷ USD; Đức 2,64 tỷ USD; Colombia 2,58 tỷ USD và Thụy Sỹ 2,25 tỷ USD. Trong vai trò một nước xuất khẩu cà phê lớn như vậy, không khó hiểu khi mà người Việt Nam có vô vàn lựa chọn với các sản phẩm cà phê.
Thị trường phân khúc rất mạnh mẽ khi mà các cửa hàng kinh doanh cà phê gia đình chiếm tỷ trọng đáng kể trên thị trường kinh doanh sản phẩm đồ uống này. Việt Nam hiện có hơn 540 nghìn nhà hàng và hơn 430 nghìn quầy kinh doanh đường phố. Kể cả 5 hãng kinh doanh cà phê lớn nhất Việt Nam hiện cũng chỉ nắm được khoảng 15% thị phần cà phê tại Việt Nam. Highlands đang đứng đầu với hơn 7% thị phần. Và dù Starbucks đứng thứ 2, hãng cũng chỉ có chưa đến 3% thị phần.
Các cửa hàng cà phê truyền thống của Việt Nam mang đến cho người tiêu dùng lựa chọn giá rẻ, mỗi cốc cà phê chỉ 15 nghìn đồng, thậm chí có luôn cả wifi và dịch vụ đánh giày.
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt trong 30 năm qua, từ một nước nghèo thành nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu vẫn còn nhỏ, hiện chiếm khoảng 13% dân số, còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, tuy nhiên quy mô của tầng lớp này được dự báo sẽ vẫn tăng nhanh.
Một chuyên gia trong ngành cà phê nhận xét về các hãng cà phê ngoại: “Tôi nghĩ rằng các hãng cà phê nước ngoài đã mang đến văn hóa uống cà phê mới cho người Việt, thế nhưng cùng lúc đó, người Việt vẫn thích văn hóa cà phê truyền thống”.
Còn một chuyên gia khác có nhiều am hiểu về thị trường Việt Nam cho rằng giá bán sản phẩm quá cao là một nguyên nhân quan trọng khiến cho các hãng cà phê ngoại khó cạnh tranh tại Việt Nam bởi ngoài các thành phố lớn, cuộc sống của nhiều người dân vẫn còn khá khó khăn.
Theo TRUNG MẾN / BizLIVE