HSBC cho rằng nguồn dự trữ có thể đã hồi phục về mức 33,6 tỷ USD trong quý I/2016. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp, đặc biệt xét trong bối cảnh rủi ro đồng nhân dân tệ biến động.
Ảnh minh họa.
Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng HSBC dự đoán thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ nới rộng lên mức 6,6% GDP trong năm 2016, khiến tỷ lệ nợ công trên GDP tiến đến ngưỡng giới hạn 65% do Quốc hội đặt ra.
Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều, ngân hàng nhận định.
Quá trình cắt giảm nợ xấu được đẩy nhanh
Bên cạnh cải cách tài chính công, hai lĩnh vực cải cách quan trọng khác bao gồm tái cấu trúc - tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn và đẩy mạnh cải cách lĩnh vực ngân hàng.
HSBC ghi nhận những tiến triển trong khu vực cải cách thứ hai gần đây. Công ty quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thông báo sẽ mua vào nợ xấu bằng tiền mặt. VAMC hiện đã phát hành loại trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng có thể sử dụng khoản thế chấp này nhằm đảm bảo tài trợ từ NHNN.
Tuy nhiên, cơ chế này không cho phép thực hiện quá trình tái cấp vốn ở các ngân hàng. Quá trình chuyển đổi sang loại hình “mua bán thực sự” tuy chỉ một phần nhưng cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình cắt giảm nợ xấu của ngân hàng.
Như vậy, với chi phí 2 nghìn tỷ đồng (tương đương 89,5 triệu USD), vẫn chưa thể khẳng định kế hoạch có phát huy tác dụng không, cơ sở vốn của VAMC có phần hạn chế trong tương quan so sánh với lượng nợ xấu quá lớn.
Dự trữ ngoại hối mỏng
Mức dự trữ ngoại hối vẫn khá mỏng để đối phó với những trường hợp rủi ro bất ngờ, HSBC đánh giá.
Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ tiền tệ quốc tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống 27,9 tỷ USD, tương đương hai tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo số liệu vào cuối năm 2015.
Dựa trên dữ liệu, HSBC tin rằng nguồn dự trữ có thể đã hồi phục về mức 33,6 tỷ USD (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu) trong quý I/2016.
Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp, đặc biệt xét trong bối cảnh rủi ro đồng nhân dân tệ biến động, ảnh hưởng đến tiền Việt Nam.
Áp lực đối với tài khoản vãng lai giảm
Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam chịu nhiều áp lực giữa năm 2015 khi dòng vốn chảy ra nước ngoài sau đợt thay đổi tỷ giá của đồng nhân dân tệ vào tháng Tám.
Tuy nhiên, tài khoản vãng lai đã cải thiện đáng kể trong quý IV/2015 do dòng vốn ra nước ngoài đã ổn định nhờ dự đoán đồng Việt Nam giảm giá đã phai dần.
HSBC kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai tăng từ 0,5% năm 2015 lên 0,7% GDP trong năm 2016. Song, cán cân tài khoản vãng lai nhiều khả năng trở về mức thâm hụt trong năm sau do nhu cầu trong nước dồi dào giúp nhập khẩu tăng.
Thâm hụt ngân sách vẫn tăng cao, buộc nhà nước phải tiến hành cải thiện nguồn thu ngân sách song song với kiểm soát chi tiêu.
Dựa trên số liệu tài chính hàng quý, HSBC ước tính thâm hụt ngân sách đã giảm từ 6,7% năm 2014 và mốc 7,4% năm 2013 trở về 6,0% trong năm 2015.
Như vậy, thâm hụt vẫn đang tăng. Theo kế hoạch ngân sách, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ chậm lại ở mức 11,4% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2016, từ mốc 16,4% năm 2015 phần lớn vì doanh thu dầu mỏ giảm.
Trong khi đó, tăng trưởng chi tiêu được dự đoán sẽ giảm từ 14,1% về 12,4% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2016, nhưng HSBC nghĩ đây chưa phải là con số cuối cùng.
Thâm hụt ngân sách vẫn còn lớn cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ phạm ngưỡng giới hạn 65% do Quốc hội đặt ra cho năm 2016. Chính sách tài chính thắt chặt của Nhà nước có thể hạn chế khả năng Việt Nam phản ứng với những cú sốc kinh tế trong tương lai.
Thảo Mai / BizLIVE