Năm 2016, ban đầu Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) không có kế hoạch xóa sạch nợ xấu ở Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nhưng tình hình thay đổi sau đó.
Ảnh minh họa. |
Đầu 2016, người của Vietcombank vẫn thường nói vui, sau khi dồn lực trích dự phòng và xử lý nợ xấu hai năm 2014 và 2016, nếu lợi nhuận nhẹ bước mà cất cao lên từ 2016 cũng không hẳn là “hay”.
Bởi vì, Vietcombank có kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, đã thai nghén từ trong năm 2015.
Lợi nhuận tăng quá mạnh có thể đẩy giá cổ phiếu trên sàn lên cao. Giá cổ phiếu cao thường khó bán. Và thực tế 2016 đã trả lời: lợi nhuận ngân hàng này liên tục gia tăng qua các quý, giá cổ phiếu cũng liên tục lên cao, rồi việc bán vốn cho GIC (nhà đầu tư của Singapore) trở nên khó khăn, một phần theo lẽ trên.
Nếu thực hiện như hầu hết các ngân hàng thương mại khác, Vietcombank trích lập vừa phải và chưa vội mua sạch nợ xấu của mình tại VAMC, thì lợi nhuận 2016 sẽ càng đột biến nữa.
Câu chuyện trên của Vietcombank tiếp tục phảng phất sang năm 2017. Vấn đề là, ngân hàng này đã trích lập dự phòng gần như tối đa rồi (cuối 2016 ở khoảng 121% tổng số nợ xấu), nên nếu có muốn cũng khó trích lập thêm được nhiều nữa mà kìm lợi nhuận.
Nhưng ở một số thành viên khác, sự mềm dẻo của lợi nhuận sẽ thể hiện có nét tương đồng như câu chuyện của Vietcombank.
Ngày 17/4, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. Các chỉ tiêu kế hoạch khác đều đặt ở mức khá tốt (ngoại trừ chỉ tiêu tín dụng phải theo mức Ngân hàng Nhà nước giao), nhưng tại sao chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay lại rất thấp, chưa đầy 3%?
Đặt chỉ tiêu đó bên cạnh mục tiêu khác thì có câu trả lời: 2017, một lần nữa VietinBank xác định sẽ xử lý toàn bộ phần nợ xấu đã bán sang VAMC. Năm 2016, VietinBank ở nhóm có kết quả xử lý nợ xấu ở nhóm đầu hệ thống, nên mục tiêu của họ có cơ sở nhất định.
Và cơ sở nữa là, họ đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp như vậy, hàm ý sẽ dùng một phần lớn lãi để trích lập, mua lại, xử lý nợ xấu đã bán cho VAMC như mục tiêu trên, dù đây là thử thách lớn. Cuối 2016, số dư nợ xấu VietinBank đã bán cho đầu mối này là 9.215 tỷ đồng; đến cuối quý 1/2017 đã xử lý thêm khoảng 200 tỷ và hiện còn khoảng 9.000 tỷ. Tất nhiên, bên cạnh việc trích dự phòng, mua lại phần này còn có tỷ trọng nhất định sẽ thu hồi được.
Sự mềm dẻo của lợi nhuận như trên cũng bước đầu thể hiện ở kế hoạch và dự báo ở những thành viên khác, như Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… Đây cũng là những thành viên đã xử lý được một phần nợ xấu, thậm chí chủ động mua lại nợ xấu tại VAMC năm qua.
Về tình huống của sự mềm dẻo này, dĩ nhiên nhà điều hành ủng hộ. Vì đây là một hướng chuyển biến thực chất và tự lực trong xử lý nợ xấu, giúp rút ngắn lộ trình trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC trong 5 năm…
Ngược lại, lợi nhuận uốn vào xử lý nợ xấu như trên đồng nghĩa với thực tế sẽ bớt nhô lên ở các kết quả báo cáo, cũng như ở phần lợi nhuận để xem xét chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng ở đây tiền không mất đi, mà ngân hàng chỉ càng thêm an toàn và chủ động với xử lý nợ xấu mà thôi.
Riêng một khía cạnh mà Ngân hàng Nhà nước sẽ để ý và giám sát: đó là việc gia tăng trích lập dự phòng và chủ động mua lại nợ xấu tại VAMC có ảnh hưởng đến sự đầy đủ và chính xác đối với yêu cầu nhận diện và trích lập dự phòng ở những điểm khác hay không, vì lồi chỗ này có thể lõm chỗ khác trong điều kiện sức lợi nhuận các ngân hàng là có hạn?
Dù cần để ý tình huống trên, nhưng cho đến thời điểm này, việc lợi nhuận ngân hàng 2017 sẽ mềm dẻo hơn trong dòng chảy trên trước hết có giá trị tích cực ở sự tự giác, chủ động lái nguồn vào xử lý nợ xấu của những thành viên đó, mà gần như không phải do cơ chế hoặc Ngân hàng Nhà nước ép buộc.
Minh Đức / VnEconomy