Hà Nội định làm đường sắt ga Hà Nội đi Hoàng Mai trị giá khoảng hơn 40.000 tỷ đồng và từ Văn Cao đi Hòa Lạc, 37,5km, 66.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp
Đó là thông tin được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội, sáng 1/6.
Một trong những cơ chế mới được Hà Nội đề xuất và được sự đồng ý của Chính phủ là ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Nhất trí với cơ chế này, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách (cơ quan thẩm tra nội dung Chính phủ trình) cho biết, theo điều 37 Luật Ngân sách nhà nước, có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, khoản thu hồi vốn của ngân sách Thành phố đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế còn lại tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố đại diện chủ sở hữu là nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng 100%.
Do quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của ngân sách Thành phố tại các tổ chức kinh tế đã diễn ra từ trước năm 2017, đến nay có một số khoản đã thu hồi vẫn do UBND Thành phố quản lý. Vì vậy đồng ý với đề xuất trên là tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho UBND Thành phố sử dụng nguồn thu này nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Thủ đô như cơ chế thí điểm đối với TP. HCM.
Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ theo giá trị vốn. Thời gian vừa qua, Hà Nội cổ phần hóa và đã thu được 11.000 tỷ. Nhưng mấy năm vừa qua số tiền này cũng giữ lại không nộp về quỹ Tài chính của SCIC.
"Các cụ lão thành nhiều thế hệ nói là tiền này do thành phố đầu tư nên phải giữ lại, lần này Quốc hội quyết định được cái này thì các cụ lão thành rất phấn khởi", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng đề xuất dùng số tiền này vào 1 mục đích xây dựng đường sắt đô thị. Theo ông Chung thì Hà Nội đã làm hồ sơ FS xong rồi, đang trình chính phủ và cố gắng sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 này về 2 tuyến đường sắt là ga Hà Nội đi Hoàng Mai trị giá khoảng hơn 40.000 tỷ đồng và đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc dài 37,5km, tổng mức đầu tư 66.000 tỷ.
Hai dự án này, Chủ tịch Hà Nội khẳng định sẽ đầu tư hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội. Một là lấy từ vốn cổ phần hóa, hai là vốn đầu tư công của thành phố 5 năm bỏ ra 15.000 và nguồn thứ ba là sẽ từ phát hành trái phiếu để. Hai tuyến đường sắt này Hà Nội có thể tự làm được, Chủ tịch Chung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết liên quan đến số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND các tỉnh, thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thì Chính phủ đang soạn thảo nghị định mới, hiện nay không thu và đang trả lại cho địa phương.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói tiền từ cổ phần hoá chỉ dùng cho xây dựng cơ bản, còn Hà Nội làm gì thì theo thẩm quyền quyết định của HĐND. "Tiền của anh thì anh quyết thôi, nhưng nếu quy mô vượt quá dự ánnhóm A, thuộc diện công trình trọng điểm quốc gia thì phải trình Quốc hội", ông Hiển lưu ý.