Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không cần giấy uỷ quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam, họ sẽ cần ít nhất một cơ sở bảo hành, bão dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu.
Ảnh minh họa. |
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo về điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ không cần giấy uỷ quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam như quy định từng gây tranh cãi tại Thông tư 20 trước đây.
Cũng tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra các điều kiện nhập khẩu ô tô như có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu. Có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Kể từ ngày 1/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải sở hữu tối thiểu 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô bao gồm đơn đề nghị, giấy chứng nhận doanh nghiệp, tài liệu chứng minh doanh nghiệp có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, cam kết trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô.
Dự thảo cũng cho biết, kể từ ngày nhận hồ sơ, trong 7 ngày làm việc, Bộ sẽ thông báo kiểm tra cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc theo quy định. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày có kiểm tra, Bộ Công Thương xem xét cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô cho doanh nghiệp, trường hợp không cấp giấy phép kinh doanh Bộ sẽ trả lời bằng văn bản và sẽ nêu rõ lý do.
Trong khi điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô cần có nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn có thể sở hữu hoặc thuê, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ô tô có chiều dài tối thiểu 500m…
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc cho biết, điểm khó nhất mà dự thảo đưa ra là các điều kiện đối với cơ sở bảo hành bảo dưỡng cụ thể là đối với thiết bị chuẩn đoán động cơ và tình trạng kỹ thuật của xe đối với ô tô có trang bị ECU điều khiển, phần mềm thiết bị chuẩn đoán tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, được cung cấp bởi nhà sản xuất xe ô tô.
Ngoài quy định này, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng còn cần mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ việc thực hiện bảo hành, bảo dưỡng, nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp trong thời gian tối thiểu 5 năm.
Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho phụ tùng, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc…
Cũng theo ông Tuấn, bản dự thảo lần này đưa ra không quá khó đối với các doanh nghiệp nhập khẩu tuy nhiên, “gỡ” ra rồi bài toán nhập xe gì về phù hợp với thị trường Việt Nam, có giá cả hợp lý, cạnh tranh được xe nhập khẩu chính hãng trong khu vực ASEAN là cả một vấn đề không đơn giản nên nhiều doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề khác.
Năm 2018 tới đây, việc thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN giảm còn 0% việc nhập khẩu xe từ các quốc gia khác ngoài khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ… cũng trở nên khó khăn hơn do thuế suất cao, khó cạnh tranh với xe nhập từ các nước ASEAN.
Nguyễn Thảo / BizLIVE